Khó có khả năng xung đột quân sự Trung-Nhật
11:30', 24/9/ 2012 (GMT+7)

Một cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Nhật Bản.

Trong khi một số nhà bình luận có quan điểm “diều hâu” của Trung Quốc đang ra sức kêu gọi Bắc Kinh chuẩn bị cho một cuộc đối đầu quân sự với Nhật Bản giữa bối cảnh căng thẳng leo thang do tranh chấp lãnh thổ, thì hầu hết các chuyên gia đều nhận định rằng khả năng hai đối thủ châu Á này rơi vào một cuộc chiến tranh là rất thấp.

Nguy cơ lớn nhất có thể xảy ra là những cuộc đụng độ nhỏ bất ngờ trên biển giữa hải quân hai nước gây ra chết người và kích động làn sóng trả đũa ở mỗi nước.

Thế nhưng trong bối cảnh này, Tokyo và Bắc Kinh có khả năng sẽ tìm cách kiềm chế cuộc đối đầu này trước khi để nó biến thành một cuộc xung đột quân sự toàn diện.

Theo bà Linda Jakobson, Giám đốc Chương trình Đông Á thuộc Viện chính sách quốc tế Lowy ở Sydney, nếu một người Nhật Bản hay Trung Quốc bị giết hại, chắc chắn nó sẽ làm thổi bùng lên tinh thần dân tộc chủ nghĩa ở mỗi nước. “Tuy nhiên, tôi vẫn không thể tưởng tượng tới mức nó sẽ dẫn tới một cuộc tấn công của nước này nhằm vào nước kia. Tôi nghĩ rằng những tư tưởng hợp lý sẽ thắng thế”. Và bà nói thêm rằng, khả năng lớn hơn là sự trả đũa về kinh tế.

Tranh chấp lãnh thổ xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông bùng phát dữ dội sau khi chính phủ Nhật Bản mua lại 3 hòn đảo thuộc quần đảo tranh chấp, châm ngòi cho làn sóng biểu tình bạo lực khắp Trung Quốc và đe dọa mối quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Không dừng lại ở đó, Trung Quốc đã điều hơn 10 tàu tuần tra của chính phủ tới vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhật Bản cũng tăng cường các hoạt động tuần tra của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản. Báo chí Trung Quốc còn tung tin, 1.000 tàu cá nước này đang ồ ạt tiến về vùng biển này, cho dù tới giờ vẫn chưa thấy có tàu cá nào của Trung Quốc xuất hiện.

Bất chấp những căng thẳng đang dấy lên cao ở tại hai nước, các chuyên gia vẫn tin rằng cả Bắc Kinh lẫn Tokyo đều không muốn tranh chấp hiện nay leo thang thành một cuộc đối đầu quân sự.

Sức ép từ Mỹ

Theo các chuyên gia an ninh, áp lực từ Mỹ cũng có tác dụng kiềm chế Trung Quốc và Nhật Bản. Tuần trước, Mỹ luôn nhắc đi nhắc lại rằng, tranh chấp quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trong phạm vi hiệp ước phòng thủ chung Mỹ ký với Nhật Bản vào năm 1960. Điều đó có nghĩa, Mỹ sẽ có trách nhiệm bảo vệ Nhật Bản trong trường hợp nước này bị tấn công.

“Tôi không nghĩ rằng bất kì bên nào có liên quan, bao gồm cả Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ muốn nhìn thấy một cuộc xung đột quân sự bùng phát do tranh chấp lãnh thổ. Họ không muốn mạo hiểm. Họ không muốn thấy nó và không muốn để nó xảy ra”, bà Jakobson nhận định.

Tuy nhiên, khả năng xảy ra một cuộc va chạm nhỏ vẫn hiện hữu. Sự hiện diện của tàu hải giám Trung Quốc và tàu của Lực lượng bảo bệ bờ biển Nhật Bản tại khu vực tranh chấp có thể châm ngòi cho một cuộc đụng độ nhỏ, nhưng các chuyên gia quân sự tin rằng mỗi bên đều sẽ tìm cách tránh xa nhau ra.

“Tin xấu là Trung Quốc cử tàu tới khu vực tranh chấp. Nhưng tin tốt là những con tàu này do chính phủ kiểm soát. Đó là tin tức tốt bởi vì những con tàu của chính phủ không thể tham gia vào những hành động gây hấn - nguyên nhân làm trầm trọng thêm tình hình và biến nó thành một cuộc xung đột lớn”, ông Narushige Michishita thuộc Viên nghiên cứu chính sách quốc gia ở thủ đô Tokyo nhận định.

Cũng theo ông Michishita, những con tàu của chính phủ Trung Quốc có một sứ mệnh khác ngoài nhiệm vụ “khẳng định chủ quyền” đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. “Tôi đoán các tàu tuần tra của chính phủ Trung Quốc sẽ theo dõi những tàu cá của mình và ngăn không cho những con tàu đó gây ra vấn đề gì”.

Nguy cơ xung đột tàu cá

Các chuyên gia quân sự tin rằng, các tàu tuần tra của chính phủ Trung Quốc cũng như tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đang được kiểm soát tốt.

Điều khiến giới quan sát lo ngại nhất chính là nguy cơ từ những tàu cá của Trung Quốc hay từ các nhà hoạt động Trung Quốc muốn đổ bộ lên quần đảo tranh chấp. Động thái này sẽ châm ngòi cho một cuộc đụng độ chết người với Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản.

Và thông tin về các cuộc đụng độ này sẽ nhanh chóng lan tràn trên mạng Internet, khích động tinh thần chủ nghĩa dân tộc ở mỗi nước.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tin tưởng những cuộc đụng độ ngoài dự kiến có thể được kiểm soát tốt tránh để leo thang thành một cuộc đối đầu quân sự.

“Đó không phải thật sự là một nguy cơ lớn bởi vì hai bên vẫn mở rộng các kênh liên lạc với nhau, giúp ngăn chặn một cuộc đối đầu xảy ra. Hai bên vẫn có thể đàm phán với nhau”, ông Xu Guangyu - cựu sĩ quan thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa và hiện là một cố vấn cấp cao của chính phủ ở thủ đô Bắc Kinh, nhận định.

“Thậm chí trước khi mọi chuyện như vậy xảy ra, chúng ta còn có Tổng thư ký LHQ và những nhân vật liên quan khác can thiệp vào, giúp đưa tình hình vào trong tầm kiểm soát”, ông Xu nói thêm.

  • Hồng Hà (theo Reuters)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Israel, Palestine đàm phán khai thác khí đốt  (24/09/2012)
Nhật Bản: Chìm tàu cá, 13 ngư dân mất tích  (24/09/2012)
Mali đồng ý cho ECOWAS can thiệp quân sự  (24/09/2012)
Iran đe dọa tấn công phủ đầu Israel  (24/09/2012)
Ấn Độ: Lở đất, 26 người thiệt mạng  (24/09/2012)
Phiên họp lần thứ 67 Đại hội đồng Liên hiệp quốc - “Nóng” với tranh chấp biển đảo  (24/09/2012)
3 vấn đề phủ bóng lên phiên họp Đại hội đồng LHQ lần 67  (23/09/2012)
Mỹ-Hàn sắp đạt thỏa thuận cải thiện tầm bắn tên lửa  (23/09/2012)
Bạo lực và các cuộc đụng độ vẫn tiếp diễn ở Syria  (23/09/2012)
Tỉ lệ ủng hộ tổng thống Pháp tiếp tục sụt giảm  (23/09/2012)
Indonesia: Bắt giữ 8 nghi phạm khủng bố  (23/09/2012)
Belarus bầu cử quốc hội  (23/09/2012)
Bầu cử Mỹ: Ông Romney nỗ lực thu hẹp khoảng cách   (22/09/2012)
Bầu cử Mỹ: Ông Romney nỗ lực thu hẹp khoảng cách   (22/09/2012)
Philippines gần đạt thỏa thuận hòa bình với phiến quân  (22/09/2012)