|
Tổ chức Oceana cảnh báo nguy cơ mất an ninh lương thực tăng cao do sự sụt giảm trữ lượng cá bởi biến đổi khí hậu gây ra. |
Vịnh Persian (Ba Tư), Libya, và Pakistan có nguy cơ cao bị mất an ninh lương thực trong những thập kỷ tới do sự biến đổi khí hậu và axít hóa đại dương đã tàn phá nghề cá những nơi này, một báo cáo công bố hôm nay (24.9) cho hay.
Báo cáo của Tổ chức Bảo vệ môi trường Oceana cảnh báo, tình trạng mất an ninh lương thực đang ngày càng tăng cao trải dài từ quần đảo Faroe ở Bắc Đại Tây Dương tới quần đảo Cook ở Nam Thái Bình Dương, Eritrea, Guyana, Indonesia, Kuwait và Singapore.
Một số nước có nguy cơ cao nhất nằm ở những khu vực giàu dầu mỏ nhưng không ổn định chính trị. “Vịnh Persian có khả năng trở thành khu vực dễ bị tổn thương nhất. Về mặt đánh bắt cá của khu vực này được cho là giảm trên 50%”, ông Matt Huelsenbeck, một nhà khoa học thuộc Oceana và là tác giả của bản báo cáo cho biết.
Báo cáo cũng đưa Iran, Libya, Kuwait và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất vào danh sách 10 nước có nguy cơ cao nhất do trữ lượng cá giảm sút, nguyên nhân do biến đổi khí hậu.
Mỹ được cho sẽ mất khoảng 12% tiềm năng đánh bắt cá vào giữa thế kỷ này, cũng theo báo cáo.
Những nước có thu nhập thấp, với mức suy dinh dưỡng cao và dân số tăng nhanh chóng, chẳng hạn như Pakistan, cũng được liệt vào danh sách có nguy cơ cao.
Sự thay đổi đột ngột các chất hóa học trong đại dương, khi nước biển hấp thu mức carbon dioxide tăng cao, đã làm đảo lộn sự cân bằng của đời sống sinh vật biển. Các dải san hô ngầm ở Caribbean cũng đang đứng bên bờ vực sụp đổ. Trong khi đó, nhiệt độ tăng cao đang đuổi các loài cá từ vùng nhiệt đới sang những vùng biển sâu hơn và lạnh hơn,.
Nghiên cứu sử dụng các mô hình khí hậu do Trường đại học Columbia (Anh) để xếp hạng những nước bị tàn phá biển do biến đổi khí hậu và axít hóa đại dương.
Tuy báo cáo tính toán tác hại gây ra vào giữa thế kỷ này, song những tác hại đầu tiên của sự biến đổi khí hậu và biến đổi chất hóa học trong đại dương đã hiện hữu trước mắt chúng ta. Tại Kenya, do sự phá hủy của các dải san hô ngầm khiến trữ lượng cá giảm sút và trên vùng biển Thái Bình Dương của Mỹ đang chứng kiến cái chết đột ngột của bãi nuôi sò ở Oregon.
|