|
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra |
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đánh giá các nền kinh tế mới nổi của châu Á có thể hỗ trợ cho nền kinh tế toàn cầu trì trệ hiện nay, thế nhưng xung đột trên các vùng biển quanh Trung Quốc đang làm chệch hướng phát triển.
Phát biểu bên lề phiên họp Đại hội đồng LHQ tại New York, Thủ tướng Yingluck Shinawatra nói rằng: “Khu vực châu Á - Thái Bình Dương là đầu tàu chủ chốt của kinh tế toàn cầu”. Tuy nhiên, tranh cãi giữa Trung Quốc và một số láng giềng xung quanh các quần đảo tranh chấp cần phải được giải quyết. “Chúng ta sẽ không thể thúc đẩy phát triển kinh tế và thịnh vượng nếu còn có căng thẳng”.
Hiện Trung Quốc, ngoài tranh chấp với Nhật Bản về chủ quyền một nhóm đảo ở biển Hoa Đông còn dính vào các vụ tranh chấp với một số nước Đông Nam Á ở Biển Đông.
Riêng nền kinh tế Thái Lan bị tác hại nặng nề do các cuộc biểu tình bạo lực năm 2010 nhưng cũng đã tạm lắng. Tăng trưởng GDP được dự báo nằm từ khoảng 5,5-6% trong năm 2012.
Ngoài ra, bà nhấn mạnh sự mở cửa của Myanmar đang mang lại một tiềm năng phát triển tích cực cho kinh tế khu vực.
Ngay sau khi Mỹ tuyên bố nước này đang dỡ bỏ các lệnh cấm vận thương mại duy nhất còn lại đối với Myanmar, nhật báo Nikkei của Nhật Bản tiết lộ sẽ khoảng 2 tỷ USD được đầu tư vào Myanmar sau cuộc họp của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tổ chức ở Tokyo vào đầu tháng 10 tới.
Các tổ chức quốc tế đã sẵn sàng nối lại các khoản cho vay viện trợ. Trong khi, Ngân hàng thế giới, IMF và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cũng đang xem xét mở rộng khoản vay trị giá 900 triệu USD nhằm ủng hộ tiến trình dân chủ và phát triển kinh tế của Myanmar.
Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản và các ngân hàng khác của nước này có khả năng đưa ra các khoản vay bắc cầu cho Myanmar để nước này có thể hoàn trả các khoản nợ cũ. Tổng số khoản cho vay mới sẽ lên tới 1 tỷ USD.
Hồi tháng 7 vừa qua, Washington cũng đã bật đèn xanh cho các công ty muốn đầu tư vào Myanmar, bao gồm lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt, một lĩnh vực phần lớn chưa được phát triển.
|