|
Cảnh sát đụng độ với người biểu tình phản đối kế hoạch cắt giảm chi tiêu của chính phủ Tây Ban Nha |
Hôm qua (27.9), chính phủ Tây Ban Nha và Hy Lạp phác thảo kế hoạch cắt giảm chi tiêu công và tăng thuế, nhằm thuyết phục các chủ nợ quốc tế và thị trường tài chính rằng 2 nước đang trong quá trình giảm thâm hụt ngân sách.
Động thái thắt chặt chi tiêu mới nhất này diễn ra vào thời điểm các nền kinh tế ở châu Âu đang trở nên yếu đi và sự phản ứng của người dân đối với chính sách khắc khổ ngày càng mạnh mẽ hơn.
Kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách trong 2 năm 2013 và 2014 của chính phủ Tây Ban Nha được nhiều nhà phân tích xem là dấu hiệu cho thấy nước này chuẩn bị đề nghị cứu trợ từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và các chính phủ khác và để được nhận sự trợ giúp này, thì trước hết Madrid phải cho thấy sự nghiêm túc của mình trong kiềm chế thâm hụt ngân sách.
Bộ trưởng Tài chính Tây Ban Nha Cristobal Montoro cho biết, dự thảo ngân sách của nước này cho năm 2013 sẽ cắt giảm khoản chi tiêu công trị giá 40 tỉ euro (51 tỉ USD). Tây Ban Nha hiện đang là trung tâm của cuộc khủng hoảng ở eurozone. Nền kinh tế lớn thứ 4 eurozone này đã thực thi một số biện pháp như tăng thuế, cắt giảm lương công chức để thoát ra cuộc khủng hoảng này.
Để nhận được hỗ trợ từ ECB, trước tiên Madrid phải đề nghị phần còn lại của eurozone hỗ trợ. Cho đến thời điểm này, chính phủ Tây Ban Nha vẫn chưa đề nghị cứu trợ do lo ngại các điều kiện đi kèm. Các nhà phân tích cho rằng, chính phủ nước này hy vọng các giải pháp ngân sách mới công bố sẽ là điều kiện đủ để eurozone không áp đặt thêm các biện pháp kiểm soát chi tiêu và thâm hụt ngân sách, khi Madrid đề nghị cứu trợ.
Bộ trưởng Tài chính Luis de Guindo cho rằng, các biện pháp này “đi xa hơn” những bước mà quan chức châu Âu đề nghị và ông cũng nói thêm rằng, Tây Ban Nha sẽ tham vấn các nước khác trong eurozone nhưng vẫn chưa quyết định có xin cứu trợ hay không.
Hiện Madrid đang vật lộn để hoàn thành cam kết với EU trong giảm thâm hụt ngân sách liên quan đến sản lượng kinh tế từ 8,9% trong năm 2011 xuống 6,3% trong năm nay, 4,5% vào năm tới và 2,8% vào cuối năm 2014.
Cũng với lý do tương tự, chính phủ liên minh Hy Lạp nhất trí cắt giảm chi tiêu trong 2 năm tới để tiết kiệm 11,5 tỉ euro (14,77 tỉ USD). Nếu không có kế hoạch thắt lưng buộc bụng, Hy Lạp sẽ không được nhận khoản cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Liên minh châu Âu (EU) và ECB.
Chính phủ Hy Lạp hy vọng, thỏa thuận được công bố sẽ đủ để đáp ứng yêu cầu của các chủ nợ quốc tế và giúp cho nước này được nhận khoản cứu trợ tiếp theo. Athens phải dựa vào các khoản cứu trợ quốc tế từ tháng 5.2010. Đổi lại, nước này phải thực thi chương trình cắt giảm chi tiêu, chủ yếu nhằm vào việc cắt giảm lương, tăng thuế, và tăng độ tuổi nghỉ hưu.
Theo một cuộc khảo sát mới đây của một ủy ban thuộc EU, niềm tin kinh tế tại 17 nước sử dụng đồng euro giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm qua. Trong khi đó, con số thất nghiệp tại Đức tiếp tục tăng cao, làm dấy lên nỗi lo ngại rằng nền kinh tế lớn nhất châu Âu cũng đang có dấu hiệu chững lại. Sáu nước châu Âu hiện đang trong tình trạng suy thoái và các nhà kinh tế học dự đoán, toàn bộ khu vực này có thể lâm vào suy thoái vào cuối năm nay.
Chính phủ các nước thuộc eurozone phải áp dụng nhiều biện pháp cắt giảm chi tiêu ngặt nghèo và tiến hành cải cách nhằm kiểm soát nợ công. Các biện pháp thắt lưng buộc bụng đánh vào các khoản lương và dịch vụ xã hội, trong khi việc cắt giảm chi tiêu làm trì hoãn tốc độ tăng trưởng. Tại một số nước, các biện pháp khắc khổ gây ra những cuộc biểu tình bạo lực; tuy nhiên, chính phủ các nước này vẫn phải thực thi kế hoạch cắt giảm và cải cách nhằm kiểm soát cuộc khủng hoảng tài chính trong eurozone và để nhận được hỗ trợ từ các quốc gia và tổ chức khác.
|