Hôm nay (30.9), “bộ ba” chủ nợ của Hy Lạp, gồm Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quay trở lại Hy Lạp, khi mà Athens vừa đạt được một bước đột phá trong việc đề ra các biện pháp cắt giảm chi tiêu mới.
“Bộ ba” này cho chính phủ liên hiệp Hy Lạp của thủ tướng Antonis Samaras 1 tuần để hoàn tất gói cắt giảm chi tiêu trị giá 13,5 tỉ euro (17,5 tỉ USD) để đổi lấy khoản giải ngân trị giá 31,5 tỉ euro, thuộc gói cứu trợ thứ hai lên đến 130 tỉ USD vốn bị đình lại từ tháng 5.2012.
Sau nhiều tuần thảo luận, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yannis Stournaras hôm 28.9 cho biết, chính phủ nhất trí về “những điểm chính” của gói thắt lưng buộc bụng mới và vấn đề hiện nay là cần sự chấp thuận của “bộ ba”.
Theo nguồn tin từ Bộ Tài chính Hy Lạp, chính sách khắc khổ mới bao gồm việc tiết kiệm khoảng 7 tỉ euro nhờ vào cắt giảm lương hưu, các phúc lợi xã hội và lương bổng của những người hưởng lương cao như thẩm phán, giáo sư và sĩ quan cảnh sát. Ngoài ra, việc cải cách tổ chức và cho 15.000 công chức nghỉ hưu hoàn toàn sẽ đem lại khoản tiết kiệm 3,5 tỉ euro nữa. Hơn 3 tỉ euro còn lại sẽ được thu từ việc tăng thêm các khoản thuế.
Dự kiến, gói cắt giảm chi tiêu này cùng với dự thảo ngân sách 2013 sẽ được trình lên quốc hội Hy Lạp vào ngày mai (1.10).
Ngày 8.10 tới, các Bộ trưởng Tài chính thuộc eurozone sẽ nhóm họp, sau đó hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra vào hai ngày 18-19.10 sẽ quyết định đề nghị của Hy Lạp về việc gia hạn cho nước này đến năm 2016 để thực hiện các biện pháp cắt giảm chi tiêu và cải cách, thay vì năm 2014.
Phản ứng về các chính sách của chính phủ, các bác sĩ, luật sư, nhà báo, giáo viên và nhân viên an ninh tiến hành nhiều cuộc đình công và biểu tình trên khắp đất nước Hy Lạp. Hôm 26.9, tại Athens diễn ra một cuộc tổng đình công và biểu tình lớn, thú hút khoảng 34.000 người tham gia. Tại thành phố Thessaloniki ở phía bắc Hy Lạp, khoảng 18.000 người cũng biểu tình phản đối chính phủ.
Theo số liệu chính thức, sau hai năm chính phủ thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng, cứ 4 người dân Hy Lạp thì có 1 người lâm vào tình trạng thất nghiệp.
|