Căng thẳng Trung - Nhật: Doanh nghiệp Nhật Bản chuyển hướng đầu tư
16:54', 30/9/ 2012 (GMT+7)

Dây chuyền sản xuất ô tô tại một nhà máy của Toyota tại TP Thiên Tân, Trung Quốc.

Căng thẳng Trung - Nhật về chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông đang ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của các doanh nghiệp Nhật Bản khi nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nhiều công ty của Nhật đang chuyển hướng đầu tư sang khu vực Đông Nam Á.

Hướng sang Đông Nam Á

Tập đoàn sản xuất xe hơi Nhật Bản Toyota đã tạm ngừng hoạt động phần lớn các cơ sở lắp ráp xe hơi tại Trung Quốc trong vòng 4 ngày, kể từ 26.9. Ngày 27.9, Nissan cũng thông báo đóng cửa một số nhà máy của công ty tại Trung Quốc cho đến hết tuần. Trước đó, rất nhiều doanh nghiệp của Nhật Bản cũng có các động thái tương tự Toyota hay Nissan, vì lo ngại cho sự an toàn của các nhân viên và cơ sở sản xuất trong bối cảnh làn sóng bài Nhật xuất hiện nhiều nơi ở Trung Quốc. Năm 2010, cũng do căng thẳng trong vấn đề Senkaku/Điếu Ngư, Trung Quốc đã cắt giảm đáng kể xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, ngoài rủi ro tiềm ẩn trong vấn đề chủ quyền, còn 2 yếu tố khác khiến các doanh nghiệp Nhật phải cân nhắc kế hoạch đầu tư, đó là tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại và lương nhân công tăng. Nhà kinh tế Takeshi Takayama, thuộc công ty bảo hiểm nhân thọ Nippon (NLI) có trụ sở tại Tokyo nhận định, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại quan trọng bậc nhất của Nhật Bản, nhưng các doanh nghiệp xứ hoa anh đào chắc chắn hướng mắt về các nước châu Á khác.

Một số quốc gia Đông Nam Á nhanh chóng hiểu được rằng đây là cơ hội tốt. Philippines đang nhắm tới khoảng 15 doanh nghiệp lớn của Nhật Bản có cơ sở sản xuất tại Trung Quốc. Manila cam kết sẽ có những ưu đãi thuế dành cho các doanh nghiệp Nhật Bản rời Trung Quốc sang Philippines.

Một địa điểm khác đang trở nên rất hấp dẫn là Myanmar. Chuyên gia Yukio Suzuki, thuộc tổ chức Bell Investment, khẳng định Myanmar là điểm đến trong tương lai. Có nhiều dấu hiệu cho thấy Nhật Bản đang tích cực chuẩn bị. Ngày 15.10.2012, hãng hàng không All Nipon Airways (ANA) sẽ khai trương đường bay Tokyo-Yangon.

Trong khi đó, Phòng thương mại và công nghiệp Nhật Bản đã cử một phái đoàn cấp cao sang Myanamar để xây dựng các quan hệ, tiếp xúc với giới doanh nhân địa phương và các quan chức Chính phủ Myanmar. Theo AFP, Nhật Bản còn dự tính tổ chức một cuộc gặp quốc tế hỗ trợ tài chính cho Myanmar vào tháng tới ở Tokyo, bên lề cuộc họp thường niên của Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới. Tháng 4 vừa qua, Nhật Bản đã xóa nợ 3,7 tỷ USD và chuẩn bị nối lại tài trợ cho Myanmar.

Không phải vì tranh cãi biển đảo?

Truyền thông Trung Quốc trong những ngày qua có nhiều bài viết kêu gọi người dân bình tĩnh trong vấn đề tranh chấp chủ quyền, tránh không để ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác kinh tế Trung - Nhật. Nhật báo Bắc Kinh cho rằng người dân Trung Quốc cần phải nhận thức rõ ranh giới giữa yêu nước và các hành động quá khích. “Hàng ngàn sinh viên, người lao động, du khách Nhật Bản tại Trung Quốc là những người vô tội. Chúng ta không thể trút giận lên họ”, bài báo viết.

Zhang Jifeng, chuyên gia của Học viện khoa học và xã hội Trung Quốc bày tỏ lo lắng rằng, những hành động quá khích sẽ làm ảnh hưởng đến các hoạt động đầu tư của Nhật vào Trung Quốc. Một số chuyên gia khác tin rằng việc tẩy chay hàng hóa Nhật Bản sẽ khiến các doanh nghiệp nước này khó làm ăn tại Trung Quốc. Theo số liệu chính thức của cơ quan chức năng Trung Quốc, năm 2011, đầu tư của Nhật Bản tại Trung Quốc lên tới 6,3 tỷ USD, tăng 50% so với năm 2010.

Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng không nên cường điệu quan điểm: căng thẳng Trung - Nhật dẫn đến các doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư. Một bài phân tích trên Nhật báo Bắc Kinh ngày 28.9 cho rằng chi phí nhân công tăng, môi trường, luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và các nguồn tài nguyên… là những nguyên nhân chính khiến các tập đoàn nước ngoài tìm nơi đầu tư khác. Theo báo này, tìm kiếm các cơ hội kinh doanh ở nơi có chi phí sản xuất thấp hơn là điều rất bình thường của một doanh nghiệp.

. Theo SGGPO

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thủ tướng Nhật Bản cải tổ nội các  (30/09/2012)
“Tấn công nội bộ” ở Afghanistan, 2 người thiệt mạng  (30/09/2012)
Đánh bom hàng loạt tại Iraq, 17 người thiệt mạng  (30/09/2012)
Tây Ban Nha: Nợ công sẽ lên đến 90,5% GDP vào năm 2013  (30/09/2012)
Hy Lạp bước vào giai đoạn cuối đàm phán cứu trợ  (30/09/2012)
Lũ lụt hoành hành tại Pakistan, Nigeria và Tây Ban Nha  (29/09/2012)
Nhiều nước phương Tây cảnh báo an ninh tại Philippines   (29/09/2012)
LHQ bàn các biện pháp chống khủng bố hạt nhân  (29/09/2012)
Mỹ-Pakistan hoãn hội đàm quân sự do biểu tình  (28/09/2012)
Công đoàn Italy kêu gọi tổng đình công  (28/09/2012)
Nga có thể tiếp tục thuê trạm radar Gabala  (28/09/2012)
Mỹ, Hàn ngừng đàm phán về hợp tác năng lượng hạt nhân  (28/09/2012)
Tây Ban Nha, Hy Lạp công bố kế hoạch cắt giảm chi tiêu mới  (28/09/2012)
EU muốn WTO phạt Mỹ vì trợ giá cho Boeing  (28/09/2012)
Hàn Quốc: Nổ nhà máy hóa chất, 4 người thiệt mạng  (28/09/2012)