Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (ảnh) chuẩn bị có chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới 3 nước Đông Nam Á là Việt Nam, Indonesia và Thái Lan trong tháng 1 này. Mục đích của chuyến đi là nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế với 3 nền kinh tế đang phát triển nhanh tại khu vực, trong bối cảnh quan hệ Nhật Bản – Trung Quốc căng thẳng vì tranh chấp lãnh thổ.
Kế hoạch thăm Mỹ của ông Abe trong tháng 1 nhằm mục đích thắt chặt quan hệ đồng minh Nhật – Mỹ hoãn lại vì trùng với thời điểm Tổng thống Mỹ Barack Obama nhậm chức nhiệm kỳ 2. Chuyến đi này sẽ được chuyển sang tháng 2 hoặc muộn hơn – Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga thông báo.
Ông Suga khẳng định, Việt Nam, Indonesia và Thái Lan là những nền kinh tế đang phát triển năng động tại khu vực Đông Nam Á và Nhật Bản cần mở rộng quan hệ kinh tế với 3 nước thành viên ASEAN này, đặc biệt khi kinh tế Nhật đang chìm trong giảm phát và suy thoái lần thứ 4 kể từ năm 2000.
“Tăng cường quan hệ hợp tác với các nước ASEAN để đảm bảo hoà bình và ổn định tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương là một việc quan trọng” – ông Suga phát biểu đồng thời nhấn mạnh, 3 nước Việt Nam, Indonesia và Thái Lan có tầm quan trọng chiến lược đối với Tokyo.
Quan hệ Nhật Bản – Trung Quốc xấu đi vào tháng 9.2012 sau khi vấn đề tranh chấp dai dẳng đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tại biển Hoa Đông bùng lên trở lại.
Nhằm bù đắp những ảnh hưởng kinh tế do quan hệ căng thẳng Nhật – Trung gây ra, ông Abe đã và đang tìm tới các nước láng giềng châu Á khác. Tân thủ tướng Nhật đã cử ngoại trưởng nước này công du một loạt các nước Đông Nam Á và phái đặc phái viên tới Hàn Quốc và Nga.
Tuy nhiên, theo lời ông Suga, chuyến thăm 3 nước ASEAN sắp tới của ông Abe không nhằm mục đích đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực.
“Trung Quốc vẫn là quốc gia quan trọng đối với Nhật Bản” – ông Suga nhấn mạnh về tính chiến lược trong quan hệ song phương giữa Tokyo với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Trong chiến dịch tranh cử hồi tháng trước, ông Abe cam kết sẽ giữ lập trường cứng rắn trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định ông Abe sẽ theo đuổi một lập trường thực tế hơn khi lên nắm quyền.
Ông Abe chiến thắng một phần nhờ chủ trương ủng hộ dân tộc chủ nghĩa và muốn sửa đổi hiến pháp do Mỹ dự thảo của Nhật được thông qua sau Thế chiến thứ II. Giới chức Mỹ mới đây bật đèn xanh cho Tokyo nới lỏng các quy định trong hiến pháp Nhật có nội dung hạn chế phát triển quân đội Nhật. Nhờ đó, Nhật có thể đóng vai trò lớn hơn trong việc gìn giữ an ninh trên toàn cầu.
Tuy nhiên, chính phủ của ông Abe sẽ không sửa đổi hiến pháp vì điều này có thể chọc giận các nước châu Á từng bị Nhật chiếm đóng trong Thế chiến thứ II – ông Suga cho biết.
|