Mỹ vừa cử một phái đoàn gồm các quan chức an ninh và ngoại giao cấp cao tới Hàn Quốc và Nhật Bản, nỗ lực xoa dịu tình hình căng thẳng trong quan hệ giữa 2 đồng minh của Washington vì mục tiêu chung: giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và đối phó với hành động ngày càng bành trướng của Trung Quốc.
Phái đoàn cấp cao nói trên gồm các quan chức đến từ Nhà Trắng, Lầu Năm góc và Bộ Ngoại giao Mỹ; cụ thể gồm Trợ lý Ngoại trưởng Kurt Campbell, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mark Lippert và Giám đốc cấp cao Hội đồng An ninh quốc gia phụ trách các vấn đề châu Á Daniel Russel.
Chuyến đi diễn ra sau khi Nhật Bản tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 12.2012 với chiến thắng thuộc về đảng Dân chủ Tự do của tân Thủ tướng Shinzo Abe còn Hàn Quốc thì chuẩn bị tổ chức lễ nhậm chức của tổng thống mới vào tháng 2 tới.
Washington hi vọng Seoul và Tokyo có thể gác sang một bên những tranh cãi liên quan đến lịch sử cùng tranh chấp lãnh thổ bắt nguồn từ việc Nhật từng chiếm đóng bán đảo Triều Tiên thời kỳ 1910-1945. Qua chuyến đi này, giới chức Mỹ cũng muốn trấn an Tokyo trong bối cảnh Nhật đang phải đương đầu gần như hàng ngày với những thách thức đến từ Trung Quốc liên quan đến vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
Tranh chấp lãnh thổ âm ỉ kéo dài giữa Nhật và Hàn Quốc, Nhật và Trung Quốc bùng phát vào năm ngoái, đẩy quan hệ Tokyo-Seoul, Tokyo-Bắc Kinh xuống mức thấp và phủ bóng lên chính sách cân bằng lực lượng an ninh tại Đông Á của Mỹ nhằm đối trọng với Trung Quốc.
Tranh cãi giữa nền kinh tế lớn thứ 2 châu Á (Nhật Bản) và thứ 4 châu Á (Hàn Quốc) cũng làm đau đầu Washington đúng vào thời điểm CHDCND Triều Tiên thử tên lửa tầm xa và có nhiều khả năng sẽ tiến hành thử hạt nhân lần 3.
Giới chức Mỹ thường xuyên hội đàm với người đồng cấp của Nhật Bản và Hàn Quốc, hai nước liên tục là đồng minh của Mỹ từ thập niên 50 đến nay. Phần lớn trong số 80.000 quân Mỹ tại châu Á đồn trú tại 2 nước này. Kể từ khi tranh chấp Nhật – Hàn đối với quần đảo mà Nhật gọi là Takeshima còn Hàn Quốc gọi là Dokdo bùng lên mạnh mẽ vào tháng 8.2012 đến nay, quan chức Mỹ càng tăng cường đến thăm 2 quốc gia châu Á này.
Tuần trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ phát biểu: “Chúng tôi muốn thấy cả hai quốc gia Đông Bắc Á - chính phủ mới của Nhật Bản và chính phủ mới của Hàn Quốc -hợp tác với nhau và cùng giải quyết các vấn đề tồn tại thông qua đối thoại bất chấp tranh chấp lãnh thổ hay tranh cãi về lịch sử”.
Tố Uyên (Theo Reuters) |