Ngày 15.1, Tòa án Tối cao Pakistan ra lệnh bắt giam Thủ tướng Raja Pervez Ashraf vì cáo buộc tham nhũng, làm gia tăng áp lực lên chính phủ vốn đang đối mặt với làn sóng biểu tình do một giáo sĩ thân quân đội lãnh đạo.
Lệnh bắt giam của tòa án tối cao và các cuộc xuống đường rầm rộ tại thủ đô Islamabad do giáo sĩ Hồi giáo Muhammad Tahirul Qadri lãnh đạo khiến giới chính trị gia Pakistan lo ngại quân đội đang hợp sức với ngành tư pháp lật đổ thủ tướng.
Trợ lý thủ tướng Pakistan, ông Fawad Chaudhry phát biểu: “Rõ ràng là cuộc xuống đường do Qadri lãnh đạo và phán quyết của tòa án tối cao là do quân đội Pakistan giật dây. Hiện tại, quân đội có thể can thiệp (vào sự điều hành đất nước của chính phủ dân sự) bởi tòa án tối cao đã mở đường cho việc can thiệp đó”.
Tuy nhiên, liên minh cầm quyền do đảng Nhân dân Pakistan (PPP) đang chiếm thế đa số trong quốc hội và các nhà lập pháp có thể bầu một thủ tướng khác dễ dàng nếu ông Ashraf bị phế truất. Ông Ashraf lên thay Thủ tướng tiền nhiệm Yusuf Raza Gilani vào tháng 4.2012 sau khi ông Gilani bị tòa án tối cao truất quyền vì tội nhạo báng tòa.
Chỉ còn vài tháng nữa, Pakistan sẽ tổ chức tổng tuyển cử. Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari hy vọng sẽ trở thành người lãnh đạo chính phủ dân sự đầu tiên tại Pakistan trong vòng 65 năm qua.
Cuộc chiến tranh giành quyền lực dự báo sẽ khiến chính phủ ít được lòng dân xao nhãng một loạt vấn đề: phiến quân Taleban, kinh tế trì trệ và xung đột giáo phái gia tăng.
Quân đội – lực lượng tự xem mình là người bảo vệ sự ổn định của đất nước – từ lâu đã cho chính phủ do PPP lãnh đạo là tham nhũng, kém cỏi trong điều hành đất nước và bất lực trong việc ngăn chặn không để một cường quốc hạt nhân như Pakistan đổ vỡ.
Quân đội đầy quyền lực của Pakistan có lịch sử tiến hành nhiều cuộc đảo chính và can thiệp vào chính trường. Tuy nhiên, tại thời điểm này, giới tướng lĩnh Pakistan có vẻ như không mặn mà lắm với việc đảo chính. Tổng Tư lệnh quân đội Pakistan Ashfaq Kayani mới đây khẳng định quân đội sẽ tránh xa chính trường.
Dù vậy, nhiều người vẫn cho rằng giới lãnh đạo quân sự vẫn đứng đằng sau điều khiển. Tất cả mọi động thái can thiệp của quân đội trong khủng hoảng chính trị mới nhất không thể xảy ra nếu ông Kayani không bật đèn xanh.
Tố Uyên (Theo Reuters) |