Anh sẽ hướng sang Khối thịnh vượng chung sau khi rời EU?
16:23', 18/1/ 2013 (GMT+7)

Thủ tướng Anh David Cameron hy vọng có thể nói rõ lập trường của Anh về quan hệ với EU sau khi cuộc khủng hoảng con tin ở Algeria kết thúc.

Thủ tướng Anh David Cameron đã bất ngờ hủy kế hoạch trình bày bài phát biểu quan trọng về tương lai của Anh trong Liên minh châu Âu (EU), dự kiến diễn ra tại Amsterdam của Hà Lan trong ngày hôm nay (18.1), do tập trung xử lý khủng hoảng con tin tại Algeria. Trong khi đó, các nghị sĩ đảng Bảo thủ đã có những động thái mới trong việc tăng cường quan hệ hợp tác với các nước thuộc Khối thịnh vượng chung, bao gồm Canada và Ấn Độ.

Theo thông báo của Văn phòng Thủ tướng Anh, Thủ tướng Cameron sẽ trình bày bài phát biểu về quan hệ của Anh với châu Âu khi cuộc khủng hoảng con tin tại Algeria kết thúc. Quyết định hủy bài phát biểu được đưa ra vào phút chót khi ông chuẩn bị ra sân bay tới Amsterdam để gặp gỡ Thủ tướng chủ nhà Mark Rutte.

Dù bài phát biểu được chờ đợi này đã bị hoãn, song Thủ tướng Cameron gần đây cảnh báo, Anh sẽ rút khỏi EU nếu liên minh này không thay đổi. “Nếu chúng ta không làm điều này, nguy cơ lớn nhất là châu Âu sẽ sụp đổ và người Anh sẽ phải chọn cách ra đi”.

Thủ tướng Cameron dự định tuyên bố ông ủng hộ Anh làm thành viên của EU, nhưng yêu cầu điều chỉnh các quy định về việc làm và xã hội, dựa trên đề nghị sửa đổi Hiệp ước Lisbon. Trong bài phát biểu quan trọng này, ông sẽ chỉ rõ 3 thách thức mà châu Âu sẽ phải đối mặt, đó là cuộc khủng hoảng tại Eurozone, tính cạnh tranh yếu ở châu Âu và tình trạng thiếu dân chủ. Nếu không giải quyết được những vấn đề này, nguy cơ số lượng các nước muốn rời khỏi EU sẽ càng tăng, cho dù ông không hề mong muốn điều này xảy ra.

Trong lúc ông Cameron đang chuẩn bị thông báo kế hoạch của chính phủ trong việc thương lượng lại mối quan hệ giữa Anh với EU, một số thành viên đảng Bảo thủ đã bắt đầu xúc tiến kế hoạch khác là thúc đẩy mối quan hệ với các nước thuộc Khối thịnh vượng chung, mà họ cho đó sẽ là sự lựa chọn thay thế đúng đắn.

Ngoại trưởng Anh William Hague hôm nay đã tới Australia để thực hiện một phần sứ mệnh ngoại giao là liên kết thành lập một mạng lưới sứ quán toàn cầu tại những nước trong Khối thịnh vượng chung Anh. Phát biểu tại Sydney một ngày sau chuyến thăm New Zealand, Ngoại trưởng Hague đã ca ngợi mối quan hệ giữa hai nước và cho biết, kế hoạch hướng Đông của Anh đang được thúc đẩy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Được thành lập từ năm 1949, Khối thịnh vượng chung Anh gồm 54 thành viên, phần lớn là những nước thuộc địa cũ của Anh như Canada và Ấn Độ, một thành viên của nhóm BRICS, đứng đầu là Nữ hoàng Elizabeth II của Anh.

Một số nghị sĩ Bảo thủ cho rằng, EU đang ngăn cản Anh phát triển mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương cũng như với các nền kinh tế mới nổi, trong đó có một số thành viên của Khối thịnh vượng chung. Các thị trường này còn bao gồm nhiều nước ở châu Á, như Australia và New Zealand.

Theo Ngoại trưởng Hague, xuất khẩu của Anh sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã tăng 15% so với cùng kì năm ngoái. Năm 2012 đánh dấu là năm đầu tiên trong nhiều thập kỉ qua, Anh xuất khẩu nhiều ra bên ngoài châu Âu, bao gồm mức kỉ lục 10 tỉ bảng Anh sang Australia. “Châu Á hiện là động cơ của tăng trưởng toàn cầu”.

Tuy nhiên, Khối thịnh vượng chung cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, bao gồm vấn đề thiếu vốn, thay đổi mục tiêu thực sự của khối và những tranh cãi nảy sinh về tình trạng nhân quyền của một số nước thành viên. Canada từng cảnh báo cân nhắc tẩy chay tham gia hội nghị thượng đỉnh của khối, dự kiến tổ chức tại Sri Lanka vào tháng 11 tới.

Trong chuyến thăm Malaysia, một thành viên của Khối hồi năm ngoái, Thủ tướng Anh thừa nhận mối quan hệ giữa Anh và “những người bạn cũ” đã bị “sao lãng” trong khi Anh dồn mọi tập trung vào châu Âu.

Hồng Hà (theo CSM, Guardian)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tướng Mỹ: Iran tăng cường năng lực mạng sau vụ virus Stuxnet  (18/01/2013)
LHQ: Hơn một nửa người tị nạn Syria là trẻ em  (18/01/2013)
Trung Quốc: Tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong vòng 13 năm  (18/01/2013)
Kết thúc chiến dịch giải cứu con tin tại Algeria  (18/01/2013)
Mỹ cấp máy bay vận tải cho lực lượng Pháp ở Mali  (18/01/2013)
Bạo lực ở Iraq bước sang ngày thứ 3, thêm 22 người thiệt mạng  (18/01/2013)
Sắc lệnh chứng tỏ ông Chavez vẫn kiểm soát đất nước  (18/01/2013)
Bắt cóc con tin nước ngoài gây chấn động tại Algeria  (17/01/2013)
Thủ đô Indonesia tê liệt vì mưa lũ  (17/01/2013)
Pakistan đề nghị hội đàm với Ấn Độ về vấn đề Kashmir  (17/01/2013)
Xuất hiện dấu hiệu bất đồng giữa Mỹ và Israel  (17/01/2013)
Chính phủ Iraq trả tự do cho hơn 400 tù nhân vô tội  (17/01/2013)
Triều Tiên sẽ mở cửa trở lại Đại sứ quán ở Australia  (17/01/2013)
Nhật bùng phát dịch viêm đường ruột do vi rút, 3 người tử vong  (17/01/2013)
Iran, IAEA tiếp tục đàm phán ngày thứ 2  (17/01/2013)