|
Phiến quân ở Mali (Ảnh: AFP) |
Theo các nguồn tin an ninh, với sự hậu thuẫn của lực lượng Pháp, quân đội Mali ngày 18.1 đã chiếm lại thị trấn Diabaly, cách thủ đô Bamako 360 km về phía Đông Bắc. Đây là chiến thắng quan trọng thứ hai của liên quân Pháp-Mali sau khi giành lại được thị trấn Konna trước đó một ngày. Cả kênh truyền hình nhà nước và quân đội Mali đều tuyên bố giành lại quyền kiểm soát các thị trấn quan trọng, đặc biệt là ở Konna, nơi có thể ngăn chặn lực lượng phiến quân từ phía Bắc tràn xuống phía Nam. Sau nhiều ngày giao tranh, được sự hỗ trợ của máy bay tiêm kích Pháp, các binh lính Mali đã dễ dàng tiến vào thị trấn Konna. Phó thị trưởng Konna là Amadou Guindo cho biết hiện mọi hoạt động của thị trấn này đã trở lại bình thường, tất cả phiến quân Hồi giáo đã bị đánh bật và mọi người đã làm việc trở lại. Còn tại thị trấn Diabaly, theo các nguồn tin địa phương, quân đội Pháp và Mali đã tiến vào thị trấn khi các tay súng Hồi giáo, vốn chiếm giữ thị trấn này từ hôm 14.1, rút lui, bỏ lại vũ khí và đạn dược. Tuy nhiên, nguồn tin quân sự Mali cho biết quân chính phủ vẫn chưa vào được thị trấn này, còn Bộ Quốc phòng Pháp không công nhận việc giành lại Điabali và chưa rõ liệu có còn tay súng Hồi giáo nào vẫn ở thị trấn này hay không. Các tay súng tấn công thị trấn Diabaly được cho là những phần tử ủng hộ nhánh al-Qaeda ở Bắc Phi (AQIM), nhằm trả đũa các cuộc không kích của Pháp chống lại "những người anh em" của chúng ở Konna. Nhóm AQIM đã liên kết với tổ chức Ansar Dine ở Mali và Phong trào Đoàn kết và Thánh chiến ở Tây Phi (MUJWA), được thành lập năm 2011, tiến hành các cuộc phản công vào quân Chính phủ Mali. Ba nhóm này đã chiếm giữ một số thị trấn quan trọng ở miền Bắc Mali sau vụ đảo chính quân sự hồi tháng 3.2012. Việc phiến quân Hồi giáo Mali rút lui khỏi các thị trấn quan trọng tại Mali diễn ra trong bối cảnh chiến binh hồi giáo Algeria Mohktar Balmokhtar – kẻ tuyên bố chủ mưu vụ tấn công cơ sở khí đốt và bắt giữ con tin ở Angiêri hôm 16.1, đã yêu cầu đối thoại nhằm chấm dứt chiến dịch của Pháp chống lại các phần tử khủng bố ở Bắc Mali. Do lo ngại tình hình an ninh trong khu vực, Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã tiến hành họp cấp bộ trưởng ngay trong ngày 18.1 tại thủ đô Abigjan của Cote d'Ivoire, nhằm xem xét các điều kiện để có thể nhanh chóng triển khai binh lính tới Mali, hỗ trợ lực lượng Pháp và Mali. Bên cạnh đó, cuộc họp còn thảo luận về tính cấp thiết của việc đưa ra một thời gian biểu chính thức cho kế hoạch hành động cũng như xác định nhiệm vụ rõ ràng cho Sứ mệnh hỗ trợ quốc tế đối với Mali (MISMA), do tổ chức này lãnh đạo theo một nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ hồi tháng 12 năm ngoái. ECOWAS dự định sẽ triển khai khoảng 3.300 quân tới Mali, với sự góp quân của các nước Nigeria¸ Togo, Senegal, Benin, Niger, Burkina Faso. Sát – một nước không thuộc ECOWAS cũng cam kết triển khai 2.000 quân. Ngày 17.1, nhóm binh lính đầu tiên của Togo và Nigeria đã tới Mali . Theo kế hoạch, ECOWAS còn tiến hành một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp cũng tại Abigiăng trong ngày 19.1 để bàn về cuộc khủng hoảng ở Mali và xem xét kế hoạch triển khai quân của các nước châu Phi. Dự kiến, Ngoại trưởng Pháp Lorăng Phabiuýt (Laurent Fabius) sẽ tham dự cuộc họp này. Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết chỉ riêng trong ngày 18.1, nước này đã triển khai thêm 400 quân tại Mali, nâng số binh lính tham chiến hiện nay ở đây lên 1.800 người, tiến gần hơn đến con số 2.500 mà Pari dự định triển khai tại quốc Tây Phi này. Trong khi đó, Tây Ban Nha cũng cam kết sẽ cử 40-50 huấn luyện viên quân sự và một máy bay vận tải Hercules C-130 cho lực lượng của ECOWAS chống lại phiến quân ở Mali, song khẳng định nước này không có kế hoạch tham chiến. Trước đó, Madrid đã tuyên bố sẽ cho máy bay Pháp hoạt động trong cuộc xung đột Mali sử dụng các căn cứ không quân nước này nếu cần thiết.
. Theo TTXVN |