|
Tổng thống Pháp Francois Hollande chịu sức ép khá lớn từ phe đối lập trong nước yêu cầu giải trình về chiến dịch quân sự tại Mali. |
Sự ủng hộ của Tổng thống Pháp Francois Hollande đối với chiến dịch quân sự tại Mali đang chịu sức ép ngày càng lớn từ phe đối lập trong nước vì cho rằng Pháp đang bị cô lập và hành động không có mục tiêu rõ ràng.
Lãnh đạo đảng đối lập cánh hữu UMP, ông Jean-Francois Cope, cho rằng chiến dịch quân sự của Pháp tại Mali dường như ngày càng mở rộng thế nhưng Tổng thống Hollande không thể hiện được mục tiêu rõ ràng nào mà Paris đang hướng tới.
“Những mục tiêu đó là gì? Có phải đó là chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế? Chống chủ nghĩa khủng bố tại khu vực này? Hay đó là vì mục tiêu thống nhất ở Mali?. Ông Hollande cần phải nói rõ những chuẩn mực nào cho các mục tiêu đạt tới”, ông Cope bức xúc khi trả lời với kênh truyền hình BFMTV.
Hôm 11.1, Pháp đã nhanh chóng đưa quân sang giúp đỡ quân đội Mali chỉ 1 ngày sau khi phiến quân Hồi giáo bắt đầu tiến đánh về phía nam hướng tới thủ đô Bamako, sau khi đã chiếm phần lớn phía bắc của Mali. Tổng thống Hollande cho rằng, ông phải có quyết định nhanh chóng đưa quân sang sang nhằm ngăn chặn toàn bộ đất nước Mali rơi vào tay lực lượng Hồi giáo quá khích.
Chiến dịch ban đầu là nhằm hạn chế bước tiến của phiến quân Hồi giáo bằng việc sử dụng không lực và giới hạn trong vài tuần. Nhưng trong phát biểu mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian cho rằng, Pháp có thể triển khai hơn 4.000 lính đánh bộ tới đất nước thuộc địa cũ này, nhằm giúp quân đội Mali “tái chiếm toàn bộ Mali” và hạn chế hoạt động của phiến quân Hồi giáo khắp miền bắc nước này. Tuyên bố khiến phe đối lập lo ngại Paris sẽ lún sâu vào cuộc chiến tại Mali.
Chính quyền Paris ban đầu xác định nhiệm vụ của họ là mở đường cho một lực lượng quốc tế do châu Phi đứng đầu can thiệp vào Mali. Theo kế hoạch, khoảng 6.000 binh lính châu Phi sẽ tới Mali, trong khi Mỹ và các nước châu Âu sẽ hỗ trợ máy bay vận tải và hậu cần cho quân đội Pháp. Tuy nhiên, cho tới nay mới chỉ có một số binh sĩ châu Phi tới được Mali. Hiện Pháp là nước duy nhất của phương Tây cung cấp binh sĩ chiến đấu tại chiến trường này.
Nhiều quan chức Pháp cũng tỏ ra lo ngại về số phận của Pháp tại Mali, trong đó có cựu bộ trưởng quốc phòng Herve Morin.
Tuy nhiên, bất chấp sức ép từ phe đối lập, kết quả các cuộc thăm dò gần đây cho thấy, phần lớn dân Pháp ủng hộ chiến dịch can thiệp quân sự của Pháp tại Mali. Kết quả thăm dò mới nhất công bố hôm 19.1, có tới 65% ủng hộ, trong khi 34% phản đối.
Trong một diễn biến mới nhất, hôm 21.1, binh lính Pháp và Mali đã tái chiếm hai thị trấn quan trọng Diabaly và Douentza từ tay phiến quân Hồi giáo.
|