|
Theo TI, khoảng 70% các quốc gia thiếu công cụ để ngăn chặn tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực quốc phòng |
Hầu hết các nước, bao gồm phần lớn các nước nhập khẩu vũ khí nhiều nhất thế giới, thiếu công cụ để ngăn chặn tình trạng tham nhũng trung buôn bán vũ khí.
Thông tin trên được Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đưa ra trong báo cáo chưa từng có tiền lệ về các bộ quốc phòng và lực lượng vũ trang được công bố hôm 29.1. TI cho biết, nghiên cứu này là chỉ số đầu tiên dùng để đo lường việc chính phủ các nước ngăn chặn tình trạng tham nhũng trong quốc phòng như thế nào hay có ngăn chặn tình trạng này hay không.
Theo TI, một số thị trường vũ khí sinh lời nhất hiện nay cũng như tiềm năng của Anh, trong đó có Arab Xê-út, Indonesia và Oman, nằm trong số các quốc gia “có nguy cơ rất cao” về tham nhũng.
Báo cáo này ước tính, số tiền tham nhũng trong lĩnh vực quốc phòng trên toàn cầu lên đến ít nhất 20 tỉ USD, bằng tổng số tiền mà các nước G8 cam kết dành cho cuộc chiến chống đói nghèo vào năm 2009. Số liệu này được dựa trên dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) và Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (Sipri).
Giám đốc chương trình an ninh và quốc phòng của TI Mark Pyman cho rằng, tình trạng tham nhũng trong quốc phòng rất nguy hiểm, gây chia rẽ và lãng phí, trong khi người dân, binh lính, các công ty và chính phủ phải trả giá.
Chỉ số chống tham nhũng trong quốc phòng của TI phân tích các biện pháp mà 82 nước sử dụng để hạn chế nguy cơ tham nhũng. Những nước này chiếm đến 94% chi phí quân sự toàn cầu trong năm 2011.
Theo đó, các nước được xếp theo 6 bậc thang. Những nước thuộc bậc thang F, gồm Algeria, Angola, Ai Cập, Libya, Syria và Yemen, được đánh giá có “nguy cơ tham nhũng nghiêm trọng”. Bậc thang E gồm những nước có nguy cơ tham nhũng “rất cao”, như Arap Xê-út, Indonesia, Oman, Sri Lanka, Venezuela, Iran, Iraq, Nigeria, Morocco, Qatar, Uzbekistan và Zimbabwe.
Anh, Hàn Quốc và Mỹ nằm trong số những nước được xem là có nguy cơ tham nhũng trong lĩnh vực quốc phòng ở mức “thấp”. Trong khi đó, chỉ có Đức và Australia, 2 nước có cơ quan của quốc hội giám sát chính sách quốc phòng chặt chẽ, được xếp vào những nước có nguy cơ tham nhũng “rất thấp”.
Cũng theo nghiên cứu của TI, khoảng 70% các quốc gia đang bỏ ngỏ cho các mối đe dọa về an ninh và lãng phí do thiếu các công cụ ngăn chặn tham nhũng trong lĩnh vực quốc phòng. Một nửa ngân sách quốc phòng của các nước này thiếu tính minh bạch hoàn toàn hay chỉ có một lượng thông tin rất hạn chế.
Chỉ số của IT còn cho thấy, chỉ có 15% chính phủ sở hữu hệ thống giám sát chính sách quốc phòng có tính toàn diện, hiệu quả và có trách nhiệm và có đến 45% các nước có ít hoặc không có sự giám sát đối với chính sách quốc phòng.
|