Biểu tình chống chi tiêu khắc khổ tại Pháp và Hy Lạp
11:51', 1/2/ 2013 (GMT+7)

Bến cảng Piraeus gần Athens ngày 31.1.2013  vắng tanh vì công nhân bắt đầu tham gia cuộc đình công kéo dài 48 giờ.

Ngày 31.1, hàng chục nghìn lao động khu vực công đã tuần hành tại thủ đô Paris của Pháp cùng nhiều thành phố khác đòi tăng lương. Cùng ngày, tại Hy Lạp, lao động ngành vận tải công cộng và y tế cũng xuống đường biểu tình phản đối cắt giảm chi tiêu công để đáp ứng các điều kiện vay cứu trợ của nước này.

Dưới áp lực kiềm chế chi tiêu công và thâm hụt ngân sách phình to, chính phủ của Tổng thống Pháp Francois Hollande quyết định không nâng lương khu vực công như chính phủ của người tiền nhiệm Nicolas Sarkozy ban hành năm 2010.

Cuộc xuống đường ngày 31.1 là biểu tình thách thức đầu tiên đối với chính sách cắt giảm thâm hụt ngân sách của ông Hollande kể từ khi ông này nhậm chức vào tháng 5.2012.

Tổ chức công đoàn CGT cho biết, khoảng 150.000 người trên khắp cả nước đã tham gia biểu tình. Hàng nghìn nhân viên nhà nước đình công.

Bộ trưởng Dịch vụ Công của Pháp, bà Marylise Lebranchu tuyên bố cứng rắn không nhượng bộ công đoàn vì vẫn có 5,2 triệu lao động trong khu vực công ủng hộ chính phủ kiểm soát chi tiêu ngân sách.

“Nếu thâm hụt ngân sách quá lớn và chúng ta mất đi sự độc lập tài chính nhất định thì lao động khu vực công cũng phải trả giá đau đớn” – bà Lebranchu lập luận. Nếu Pháp không dọn sạch khu vực tài chính công, nước này sẽ đối mặt với nguy cơ phải vay với chi phí cao hơn trên các thị trường tài chính.

Ngân sách chi lương cho khu vực công của Pháp năm 2013 dự kiến là 80,6 tỉ euro. Chính phủ Pháp đặt mục tiêu giảm tỉ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP từ mức 4,5% xuống còn 3% trong năm nay, tức tiết kiệm gần 30 tỉ euro. Chỉ cần tăng 1% lương cho lao động khu vực công, ngân sách của Pháp sẽ tiêu tốn thêm khoảng 700 triệu euro.

Tại Hy Lạp, khi nền kinh tế bước vào năm thứ 6 giảm phát liên tiếp, làn sóng biểu tình, đình công mới lại dâng cao để phản đối các biện pháp chi tiêu khắc khổ mới.

Ngày 31.1, giao thông công cộng tại thủ đô Athens của Hy Lạp gián đoạn vì tài xế xe buýt, tàu hỏa, tàu thủy và phà dừng làm việc, bắt đầu cuộc đình công kéo dài 48 giờ.

Hàng trăm bác sĩ, nhân viên y tế, giáo viên và nhân viên hành chính công tuần hành tại trung tâm Athens để phản đối các biện pháp thắt lưng buộc bụng “nguy hiểm” mà chính phủ đang áp dụng theo yêu cầu của bộ 3 nhà cho vay gồm Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB).

2 tổ chức công đoàn chính tại Hy Lạp đại diện cho khoảng ½ lực lượng lao động của nước này đã liên tục tổ chức biểu tình kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ bùng phát vào năm 2009 đến nay.

Chính phủ Hy Lạp kiên quyết theo đuổi chính sách cứng rắn đối với người biểu tình để chứng minh cho bộ 3 cho vay nói trên thấy Athens kiên quyết cải tổ bất chấp sự phản đối của người dân trong nước.

Tháng trước, EU, IMF và ECB quyết định giải ngân cho Hy Lạp vì lo ngại nước này có thể vỡ nợ và buộc phải rút khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Tố Uyên (Theo Reuters)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hàn, Mỹ hội đàm về vụ Triều Tiên sắp thử hạt nhân  (01/02/2013)
Mexico: Nổ trụ sở công ty dầu khí Pemex, 14 người thiệt mạng  (01/02/2013)
Syria chính thức kiện lên LHQ vụ Israel không kích  (01/02/2013)
Đến lượt WSJ tố bị tin tặc Trung Quốc tấn công  (01/02/2013)
Anh tăng cường hỗ trợ an ninh cho Libya  (01/02/2013)
Nga kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Stalingrad  (31/01/2013)
Tổng thống Hàn chỉ thị sẵn sàng đáp trả Triều Tiên  (31/01/2013)
Biểu tình bạo loạn tại Bangladesh  (31/01/2013)
New York Times bị tin tặc Trung Quốc tấn công  (31/01/2013)
Ông Hagel: Mỹ sẵn sàng tấn công Iran nếu cần  (31/01/2013)
Ô nhiễm đe dọa kinh tế Trung Quốc  (31/01/2013)
EU mời Iran tham gia vòng đàm phán mới  (31/01/2013)
Châu Âu: Triệt phá mạng lưới buôn người xuyên lục địa  (31/01/2013)
Iran: Xuất khẩu dầu thô lên mức cao nhất kể từ sau lệnh trừng phạt của EU  (31/01/2013)
Syria cáo buộc Israel không kích trung tâm nghiên cứu quân sự  (31/01/2013)