|
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande có một cuộc họp “ngắn nhưng sâu sắc” vào ngày 6.2.2013. |
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ họp thượng đỉnh tại Brussels (Bỉ) trong 2 ngày nhằm cố gắng đạt được một thỏa thuận quan trọng về kế hoạch chi tiêu của EU trong 7 năm tới.
Vấn đề chi tiêu ngân sách cao của EU vào thời điểm kinh tế giảm phát và chính phủ nhiều nước khắp châu lục này phải thắt lưng buộc bụng là nguyên nhân chính gây chia rẽ khối 27 nước thành viên EU.
Tháng 11.2012, các nước EU không thể đạt được thỏa thuận trong một cuộc họp cấp cao tương tự.
Cuộc họp lần này nếu có đạt được kết quả nhất trí thì kết quả này cũng cần phải thông qua Nghị viện châu Âu (EP). Nhiều nghị sĩ của EP ủng hộ mạnh mẽ chi tiêu công.
Ủy ban châu Âu muốn tăng thêm 5% trần chi tiêu ngân sách công giai đoạn 2014-2020 thành 1,025 nghìn tỉ euro (1,4 nghìn tỉ USD). Cuộc họp thượng đỉnh tháng 11.2012 cắt giảm mức trần này xuống còn 973 tỉ euro và sau đó điều chỉnh giảm tiếp còn 943 tỉ euro.
Anh, Đức và các nước Bắc Âu khác muốn cắt giảm chi tiêu công của EU.
Pháp và Italy muốn giữ nguyên mức chi tiêu như hiện nay và tập trung đầu tư vào những lĩnh vực có khả năng tạo công ăn việc làm.
Ngày 6.2, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã có một cuộc họp ngắn nhưng sâu sắc tại Paris (Pháp) để bàn về khả năng đạt được thỏa thuận như thế nào.
Bà Merkel thừa nhận cuộc họp thượng đỉnh sắp tới sẽ “rất gay go”.
Tại Brussels, người phát ngôn EP Olivier Bailly cảnh báo, nếu EU tiếp tục cắt giảm mạnh chi tiêu ngân sách thì EP sẽ không thể thực hiện được nhiệm vụ của mình.
Sự chia rẽ trong nội bộ EU phản ánh khoảng cách giữa các nước châu Âu giàu có và các nước phụ thuộc chủ yếu vào ngân sách của EU.
Các nước thụ hưởng chính từ ngân sách EU như Ba Lan, Hungary và Tây Ban Nha ủng hộ chi tiêu công nhiều hơn.
Các nước đóng góp chính vào ngân sách EU gồm Đức, Anh, Pháp và Italy cho rằng không thể chấp nhận được việc tăng cường chi tiêu vào thời điểm cần khắc khổ.
Giới phân tích nhận định, nếu các nước EU không đạt được thỏa thuận về chi tiêu ngân sách trong 7 năm tới thì điều này cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ không đạt được thỏa thuận chi tiêu hàng năm lớn hơn.
|