Hội đồng bảo an LHQ ra tuyên bố trừng phạt Triều Tiên
16:36', 13/2/ 2013 (GMT+7)

Ngoại trưởng Hàn Quốc hôm qua đọc tuyên bố của HĐBA

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lên án mạnh mẽ vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời cho biết sẽ sớm đưa ra các biện pháp trừng phạt thích hợp. Trong khi đó, bộ ba Mỹ - Nhật - Hàn cùng cảnh báo sẽ phản ứng mạnh tay với Bình Nhưỡng.

 

Sau phiên họp khẩn ngày 12.2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) gồm 15 nước thành viên đã ra tuyên bố lên án mạnh mẽ vụ thử hạt nhân lần ba của Triều Tiên, cho rằng đây là mối đe dọa rõ ràng đối với hòa bình và an ninh quốc tế.

 

"HĐBA cực lực lên án vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. Hành động này không chỉ vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết trừng phạt trước đó của LHQ, mà còn là mối đe dọa rõ ràng đối với hòa bình và an ninh quốc tế", tuyên bố ghi rõ.

 

Các nghị quyết được tuyên bố nhắc tới bao gồm nghị quyết 1718 (thông qua năm 2006), 1874 (năm 2009) và 2087 (năm 2013).

 

Cuộc họp khẩn của HĐBA được tiến hành theo đề xuất của Hàn Quốc, nước hiện giữ cương vị Chủ tịch luân phiên HĐBA trong tháng này. Tại cuộc họp, các nước thành viên tái khẳng định sự nhất trí đối với những nội dung được nêu trong nghị quyết 2087 mới được thông qua hồi tháng Giêng vừa qua, trong đó chỉ rõ HĐBA sẽ có "hành động thích đáng" nếu Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân tiếp theo. Căn cứ vào nghị quyết này và mức độ vi phạm của Triều Tiên, các nước thành viên HĐBA quyết định sẽ thảo luận các biện pháp trừng phạt thích hợp và dự kiến sẽ đưa vào nghị quyết tiếp theo của cơ quan này.

 

Trong khi đó, cộng đồng quốc tế tiếp tục lên án mạnh mẽ hành động thử hạt nhân của Triều Tiên. Trong tuyên bố phát đi từ trụ sở LHQ ở thành phố New York (Mỹ), Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon bày tỏ quan ngại sâu sắc khi cho rằng vụ thử hạt nhân của Triều Tiên sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định trong khu vực.

 

“Tôi lên án mạnh mẽ hành động thiếu thận trọng của Bình Nhưỡng. Hành động này cho thấy Triều Tiên bất chấp mọi lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế trong việc tránh có thêm các hành động khiêu khích. Vụ thử hạt nhân lần này vi phạm nghiêm trọng và rõ ràng các nghị quyết liên quan của HĐBA”, TTK Ban Ki-moon nói.

 

Ông Ban Ki-moon cũng cho biết đã nhiều lần kêu gọi ban lãnh đạo mới ở Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân và cố gắng xoa dịu tình hình thông qua đối thoại chính trị, xây dựng lòng tin với các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, đáng tiếc là Triều Tiên lựa chọn phương thức đối đầu.

 

"Tôi rất lấy làm tiếc khi Triều Tiên lựa chọn con đường thức thức. HĐBA cần nhanh chóng hành động và đưa ra quan điểm thống nhất trong vấn đề này", TTK LHQ nói thêm.

 

Các tổ chức quốc tế khác như Tổ chức Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO) và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng ra tuyên bố lên án Triều Tiên, cho rằng vụ thử hạt nhân mới nhất của Bình Nhưỡng đang tạo ra đe dọa rõ ràng đối với hòa bình và an ninh quốc tế.

 

Chính phủ Đức, Bồ Đào Nha, Belarus, Israel, Cộng hòa Séc cũng mạnh mẽ lên án vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng, cho rằng việc làm này đe dọa nghiêm trọng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên cũng như an ninh trong khu vực và quốc tế. Trước đó, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc và nhiều nước khác đã bày tỏ quan ngại sâu sắc. Tổng thống Mỹ Barack Obam cam kết sẽ tiếp tục hành động mạnh tay với Triều Tiên.

 

"Mỹ sẽ có những hành động cứng rắn và kiên quyết bảo vệ Seoul thông qua các cam kết quốc phòng và việc mở rộng ô hạt nhân", người đứng đầu Nhà trắng nói trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Hàn Quốc sắp mãn nhiệm Lee Myung Pak.

 

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng có cuộc điện đàm với Tổng thống Lee Myung Pak với cam kết hai bên sẽ hợp tác chặt chẽ nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt hà khắc hơn đối với Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân lần 3. Trong phản ứng mới nhất, quân đội Hàn Quốc đã triển khai hệ thống tên lửa đạn đạo chĩa sang nước láng giềng phía Bắc.

 

"Quân đội Hàn Quốc đang triển khai hệ thống tên lửa đạn đạo có khả năng hủy diệt toàn bộ đất nước Triều Tiên. Chúng tôi cũng đang đẩy nhanh phát triển hệ thống tên lửa đạn đạo tầm xa có sức vươn lên tới 800km, có thể công bất cứ địa điểm nào trên lãnh thổ Triều Tiên nhằm đáp trả vụ thử hạt nhân lần thứ ba của Bình Nhưỡng", người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-seok tuyên bố.

 

Trước đó, Triều Tiên xác nhận đã thực hiện thành công vụ thử hạt nhân lần ba sau khi thông báo trước ý định này với phía Mỹ và Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland xác nhận đã nhận được thông báo này, song cũng cho biết Washington đã dùng những "ngôn từ mạnh mẽ nhất" phản đối kế hoạch của Triều Tiên.

 

Lo ngại tình hình căng thẳng trong khu vực, Trung Quốc - quốc gia bảo trợ Triều Tiên - đã phải kêu gọi các bên kiềm chế.

 

"Tất cả các bên liên quan cần có biện pháp xử lý phù hợp để ngăn chặn tình hình căng thẳng tiếp tục leo thang", Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì kêu gọi trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ John Kerry.

 

Ông Dương Khiết Trì đưa ra kêu gọi trên sau khi Triều Tiên dọa sẽ "hành động mạnh hơn" nếu phải đối mặt với các lệnh trừng phạt khắc nghiệt mới của cộng đồng quốc tế.

 

"Vụ thử hạt nhân lần ba mới chỉ là bước khởi đầu và Bình Nhưỡng sẽ có các hành động tiếp theo mạnh tay hơn nếu Mỹ tiếp tục làm phức tạp thêm tình hình bằng các chính sách thù địch", thông cáo của Bộ Ngoại giao Triều Tiên nêu rõ.

 

Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) cũng cảnh báo Triều Tiên rất có thể sẽ tiến hành thêm một vụ thử hạt nhân hoặc phóng tên lửa đạo trong những ngày tới hoặc những tuần tới.

 

. Theo Dân Trí

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tổng thống Iran dọa "san bằng Israel khỏi mặt đất"  (08/02/2013)
Nhật, Arab Xê-út ký hiệp ước cung cấp dầu khẩn cấp  (08/02/2013)
Hàn Quốc tham gia lệnh trừng phạt Triều Tiên của LHQ  (08/02/2013)
Tokyo tố máy bay Nga vi phạm không phận  (08/02/2013)
Pakistan: Mưa lớn, ít nhất 34 người chết  (07/02/2013)
Triều Tiên đe dọa xóa bỏ khu công nghiệp Kaesong  (07/02/2013)
Hamas và Fatah đàm phán hòa giải dân tộc  (07/02/2013)
Trung Quốc tiếp tục đứng đầu thế giới về sản xuất vàng  (07/02/2013)
Thủ tướng Nhật cam kết giải quyết tranh chấp đảo với Nga  (07/02/2013)
EU chuẩn bị họp cấp cao về ngân sách  (07/02/2013)
Ấn Độ tăng cường hoạt động can dự tại Biển Đông  (07/02/2013)
Myanmar cho phép viện trợ cho Kachin  (07/02/2013)
Pháp muốn bàn giao sớm sứ mệnh tại Mali cho LHQ  (07/02/2013)
Mỹ siết chặt cấm vận nhằm vào dầu mỏ và truyền thông Iran   (07/02/2013)
Hy Lạp chấm dứt đình công của giới thủy thủ  (07/02/2013)