Tình báo khó tìm chứng cứ vụ thử hạt nhân của Triều Tiên
10:40', 21/2/ 2013 (GMT+7)

Theo các quan chức Mỹ, châu Âu và Hàn Quốc, các cơ quan tình báo của Mỹ và đồng minh vẫn chưa tìm thấy dấu vết nào của những mảnh vụn trong vụ thử hạt nhân của Triều Tiên hôm 12.2.

Sự bế tắc này khiến cho những thắc mắc về thiết kế của thiết bị hạt nhân này vẫn chưa được giải đáp. Ngoài ra, việc thiếu chứng cứ khoa học cũng không đem lại câu trả lời cho các câu hỏi về loại nguyên liệu được sử dụng trong vụ thử hạt nhân và Bình Nhưỡng đã tiến xa đến đâu trong sản xuất bom hạt nhân.

Sau vụ thử hạt nhân, Trung tâm các Ứng dụng Kỹ thuật Không quân Mỹ (AFTAC) tại Florida đưa máy bay WC-135 đến để tìm kiếm dấu vết còn sót lại nhằm tìm chứng cứ về thiết kế của thiết bị này nhưng không có kết quả. Một người phát ngôn của Không quân Mỹ xác nhận các máy bay không thu thập được kết quả nào, trong khi một quan chức tình báo cho biết, việc phân tích vụ nổ “vẫn đang tiếp tục”.

Mặc dù ước lượng về sức công phá của vụ nổ mới nhất này rất khác nhau, nhưng hầu hết các chuyên gia cho rằng vụ nổ có sức công phá ít nhất là 5 kiloton, nhỏ hơn son với quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Hiroshima hồi Chiến tranh Thế giới II.

Trong thông báo về vụ thử hạt nhân, Triều Tiên tuyên bố nước này đã sử dụng “thiết bị hạt nhân được thu nhỏ và nhẹ hơn nhưng có sức công phá lớn hơn so với các thiết bị trước đó và không gây tác hại đến môi trường sinh thái xung quanh”.

Một câu hỏi quan trọng khác là Triều Tiên đã dùng loại vật liệu nào trong vụ thử hạt nhân mới đây. Trong hai vụ thử hạt nhân trước đó, giới phân tích cho rằng Bình Nhưỡng dùng plutonium làm lõi của các thiết bị hạt nhân; tuy nhiên, sau sức ép ngoại giao của cộng đồng quốc tế, nước này từ bỏ sản xuất plutonium vào năm 2007. Sau đó, Triều Tiên xây dựng các cơ sở làm giàu uranium, một nguyên liệu khác dùng để sản xuất bom hạt nhân.

Với việc thiếu chứng cứ và không có thông tin nào rò rỉ từ chương trình thử hạt nhân của Triều Tiên, các quan chức Mỹ và đồng minh cho rằng rất khó để bên ngoài biết được vụ thử mới đây dùng lõi plutonium hay uranium.

Các vấn đề then chốt khác cần được giải đáp là sức công phá của thiết bị hạt nhân này chính xác là bao nhiêu, nó được định hình như thế nào và Triều Tiên có thể thu nhỏ thiết bị hạt nhân đến mức độ nào.

Các chuyên gia cho biết, Bình Nhưỡng ngày càng biết cách che đậy các địa điểm thử hạt nhân để giấu các dấu vết khoa học dù nhỏ nhất. Một quan chức Hàn Quốc cho rằng, Triều Tiên đã đào một đường hầm rất sâu để thử hạt nhân và che chắn kỹ càng nhằm tránh bị phát hiện. Theo quan chức này, mặc dù vẫn còn thời gian, nhưng cơ hội tìm được chứng cứ về thiết bị hạt nhân của Triều Tiên ngày càng nhỏ dần.

  • Lê Quảng (theo Reuters)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Campuchia: Con trai, con rể ông Hun Sen sẽ ứng cử quốc hội  (21/02/2013)
Philippines đi “đúng đường” trong vụ kiện Trung Quốc  (21/02/2013)
Đoàn các nghị sỹ Mỹ kết thúc chuyến thăm tới Cuba  (21/02/2013)
Chính phủ Bulgaria giải tán  (20/02/2013)
Mỹ, Hàn họp bàn chiến lược ngăn chặn mối nguy hạt nhân từ Triều Tiên  (20/02/2013)
Iran thiệt hại 40 tỉ USD vì cấm vận  (20/02/2013)
Quân đội Israel tấn công người biểu tình Palestine ở Bờ Tây  (20/02/2013)
Hy Lạp đối mặt đình công lớn  (20/02/2013)
Bất chấp Trung Quốc bác bỏ, Philippines kiện ra tòa quốc tế  (20/02/2013)
Hàn Quốc muốn Nhật hủy bỏ lễ tuyên bố chủ quyền quần đảo tranh chấp  (20/02/2013)
Triều Tiên cảnh báo Hàn về đòn "hủy diệt cuối cùng"  (20/02/2013)
Mandiant: PLA kiểm soát tin tặc Trung Quốc  (19/02/2013)
Thủ tướng Pakistan ra lệnh hành động sau vụ đánh bom đẫm máu  (19/02/2013)
Đoàn nghị sĩ Mỹ sang Cuba để xoa dịu căng thẳng  (19/02/2013)
Singapore, Malaysia sẽ xây đường sắt cao tốc  (19/02/2013)