Trung Quốc chuẩn bị mở rộng đội tàu hậu cần và máy bay vận tải hạng nặng vốn bị quên lãng từ lâu, nhằm tăng cường hỗ trợ quân đội trong việc tuyên bố chủ quyền đối với lãnh thổ tranh chấp và bảo vệ lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài.
Theo các nhà phân tích quân sự, những thiết bị vận tải này có thể không gây quan ngại cho các nước trong khu vực như việc trình làng máy bay chiến đấu, tên lửa tầm xa hay tàu chiến trước đó, nhưng đây lại là một yếu tố quan trọng trong kế hoạch xây dựng lực lượng của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Việc hỗ trợ trên không và trên biển sẽ giúp lực lượng hải quân lớn thứ 2 thế giới này có thể đi xa hơn và nâng cao năng lực của PLA trong hoạt động hỗ trợ tại các chiến trường ở xa.
Theo báo cáo và hình ảnh được đăng tải trên các trang web quốc phòng Trung Quốc, năm 2012 xưởng đóng tàu nước này đóng 2 tàu hậu cần Type 903 nặng 23.000 tấn. Các nhà phân tích cho hay, những tàu cung ứng hiện đại của Trung Quốc đang được chạy thử nghiệm và sẽ được bàn giao cho hải quân nước này vào cuối năm nay.
Tháng trước, Trung Quốc cũng xác nhận PLA đã tiến hành chuyến bay thử nghiệm đầu tiên đối với loại máy bay vận tải hạng nặng Y-20 mà nước này tự chế tạo. Đối với lãnh đạo Trung Quốc, chuyến bay thử nghiệm máy bay Y-20 là bước ngoặt quan trọng trong việc đưa PLA trở thành một lực lượng cơ động. Theo truyền thông Trung Quốc, máy bay Y-20 có thể cất và hạ cánh từ các đường băng hạn chế và có thể chuyên chở hầu hết các thiết bị hỗ trợ và chiến đấu của PLA.
Việc khôi phục lại đội tàu hậu cần và máy bay vận tải là bằng chứng cho thấy rõ thêm tham vọng muốn trở thành về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, với ưu tiên mở rộng và bảo vệ các đường biên giới trên bộ vốn đã kéo dài của nước này.
Việc chi tiêu quân sự quá mức trong hơn 30 năm qua cho phép Trung Quốc xây dựng một lực lượng hải quân hiện đại mà hiện chỉ đứng sau Mỹ về một số mặt. Theo ước tính của Lầu Năm Góc, hải quân Trung Quốc có khoảng 80 tàu chiến mặt nước lớn, bao gồm cả tàu sân bay đầu tiên, hơn 50 tàu ngầm, khoảng 50 tàu đổ bộ và hơn 80 tàu tấn công tên lửa. Trong khi đó, hải quân Mỹ có 34 tàu cung ứng loại lớn để hỗ trợ cho khoảng 140 tàu chiến mặt nước.
Tuy nhiên, việc chế tạo tàu hậu cần và cung ứng tại các xưởng đóng tàu Trung Quốc lại tụt hậu quá xa so với nhu cầu của quân đội. Bắc Kinh hiện chỉ có 5 tàu hậu cần chính để hỗ trợ đội tàu đang tiến hành các hoạt động tuần tra và diễn tập quanh các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Các tàu này cũng được yêu cầu hỗ trợ hải quân Trung Quốc khi triển khai quân ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
|