|
Người dân chen chân chật kín quanh một giếng nước tại làng Natwargadh, thuộc bang Gujarat, miền tây Ấn Độ trong một đợt hạn hán. |
Hàng triệu người dân sống ở phía tây Ấn Độ đang phải hứng chịu hạn hán tồi tệ nhất trong vòng gần bốn thập kỉ qua.
Theo Thống đốc bang Maharashtra, ông Prithviraj Chavan, nhiều khu vực thuộc bang Maharashtra thiếu nước trầm trọng, còn nghiêm trọng hơn đợt hạn hán năm 1972. Các hồ chứa nước xuống tới mức thấp kỉ lục chưa từng có.
Chính quyền đã phải huy động gần 2.000 xe bồn chuyên chở nước uống tới các hộ gia đình, trong khi hàng trăm trại gia súc đã được dựng lên để duy trì sự sống cho vật nuôi cho tới mùa mưa, thường rơi vào tháng 6.
Dù chưa được thống kê đầy đủ, song ước tính có tới 10.000 người bị ảnh hưởng bởi đợt hạn hán tồi tệ này.
Ông Christopher Moses, Giám đốc một bệnh viện từ thiện ở Jalna - một trong những quận bị ảnh hưởng nặng nề nhất cho biết, nhiều gia súc bị chết do các công ty đóng cửa trong khi cây cối khô héo. Người dân không có gì để ăn. Những căn bệnh liên quan tới nước tăng mạnh. Nạn đói cũng bắt đầu xuất hiện. Bệnh viện của ông cũng đang cân nhắc đóng cửa nhiều bộ phận do thiếu nước trầm trọng, lần đầu tiên trong lịch sử 117 năm qua của bệnh viện.
Thống đốc Chavan đổ lỗi nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do liên tiếp hai mùa mưa qua không có nhiều nước. Với gần 3/4 dân số sống dựa vào nông nghiệp, mùa mưa ở Ấn Độ rất quan trọng, đặc biệt là nguồn nước tưới duy nhất cho 2/3 đất canh tác trên cả nước.
Trận hạn hán năm 1972 đã gây thiếu hụt lương thực, đẩy giá cả của tất cả hàng hóa tăng phi mã, khiến chính phủ Ấn Độ tăng cường nhập khẩu hàng hóa. Một đợt hạn hán khác vào năm 2009 cũng đẩy giá cả leo thang, khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.
|