Theo tin điện thoại chúng tôi nhận được từ HLV Nguyễn Văn Vinh-GĐKT CLB Hoàng Anh-Gia Lai, thì từ giữa tháng 4-2007, Học viện bóng đá HA.GL-Arsenal JMG sẽ bắt đầu tiến hành tuyển sinh ở 10 tỉnh miền Trung-Tây nguyên. HLV Nguyễn Văn Vinh được giao đi “tiền trạm” làm việc với các sở GD-ĐT và TDTT ở 10 tỉnh trên để tới tháng 7-2007, đoàn tuyển trạch viên của Arsenal JMG sẽ trực tiếp đi tuyển sinh.
Đối tượng tuyển sinh của Học viện bóng đá đầu tiên ở VN này sẽ là các em học sinh ở độ tuổi 11-12. Yêu cầu bắt buộc là các em phải có đạo đức tốt, có sức học từ trung bình trở lên, và dĩ nhiên, phải qua được kỳ kiểm tra nghiêm nhặt với những “test” chính hiệu Arsenal về những tố chất cần thiết cho một cầu thủ bóng đá tương lai. Lâu nay, Liên đoàn bóng đá VN(VFF) và cả người hâm mộ bóng đá VN thường ao ước gửi được những cầu thủ trẻ ra nước ngoài, tới những trung tâm của bóng đá thế giới để học nghề… đá bóng. Nhưng những ao ước và kế hoạch ấy cho tới giờ vẫn chưa khả thi vì nhiều lý do, trong đó kinh phí nổi lên là lý do chính. Bây giờ, ở VN đã có hẳn một Học viện bóng đá mang “thương hiệu” Arsenal-một CLB bóng đá lừng danh châu Âu và quá thân thiết quen thuộc với người yêu bóng đá VN-một Học viện chuyên đào tạo và “xuất khẩu” cầu thủ Việt Nam trong một tương lai gần. Còn gì vui hơn thế nữa! Chỉ sau 7, 8 năm tới, hy vọng chúng ta sẽ có những cầu thủ trẻ-tốt nghiệp ưu hạng Học viện bóng đá HA.GL-Arsenal JMG-được “bán” ra nước ngoài khoác áo những CLB tên tuổi ở châu Á và cả châu Âu, trong khi gia đình và bản thân các cầu thủ trẻ không tốn một đồng học phí đào tạo, lại còn được phần trăm khi hợp đồng mua bán chuyển nhượng được ký kết, tạo nên một “làn sóng mới” của bóng đá VN vỗ ngược ra thế giới. Cứ nghĩ như thế đã thấy rạo rực trong lòng. Vì, từ khi bóng đá VN tiến lên đường chuyên nghiệp, mở cửa, những “làn sóng” cầu thủ ngoại ở nhiều nước trên thế giới đã “vỗ” vào bóng đá VN, góp phần quan trọng tạo nên một chất lượng thi đấu mới cho các giải bóng đá VN. Bóng đá VN, dù vẫn còn ngụp lội ở “vùng trũng bóng đá Đông Nam Á”, nhưng so với trước đã một trời một vực, đã thành “đất lành” cho rất nhiều cầu thủ ngoại đến lập nghiệp bằng bóng đá. Nhưng cho tới giờ, chỉ trừ một hợp đồng mang nặng tính thương mại và quảng cáo hàng hóa của CLB Lifan với Lê Huỳnh Đức, và một trường hợp “cho mượn” hậu vệ Lương Trung Tuấn tới một CLB Thái Lan, còn thì bóng đá VN vẫn “đóng cửa” trong thương vụ “xuất khẩu cầu thủ”. Như thế, cán cân thương mại đã nghiêng lệch hoàn toàn về phía “nhập siêu cầu thủ”, và nếu cứ tiếp diễn như thế trong thời gian dài nữa sẽ là chuyện bất bình thường. Vì ai cũng biết, VN chưa phải là đất nước có nền kinh tế phát triển, và bình quân GDP vẫn khá thấp so với các nước trong khu vực, chưa nói so với các nước phát triển. Không thể cứ nuôi sống nền bóng đá VN bằng cách “nhập siêu” cầu thủ trong khi không hề nghĩ tới khả năng “xuất siêu” để cân bằng cán cân thanh toán. Học viện bóng đá HA.GL-Arsenal JMG là cụ thể một cái nhìn và cách đánh giá của những bậc thầy kinh doanh bóng đá châu Âu vào tiềm năng của bóng đá và cầu thủ Việt Nam. Khi Arsenal đã chọn Việt Nam là một trong 6 nước (ngoài Anh) để liên kết mở Học viện bóng đá, là họ đã khảo sát kỹ và coi đó là một quyết định kinh doanh không quá mạo hiểm. Dĩ nhiên, ông Đoàn Nguyên Đức của Cty Hoàng Anh-Gia Lai cũng nghĩ như vậy. Đây không còn chỉ là chuyện “nuôi” một đội bóng, làm “bầu” một CLB bóng đá với mục đích “quảng bá thương hiệu” kinh doanh. Đây đã là một công nghiệp kinh doanh thực thụ. Và nhiều hứa hẹn sẽ thành công.
|