Bóng đá miền Trung luôn nổi như cồn về sự nhiệt thành của các cổ động viên (cầu thủ thứ 12 của bóng đá). Mỗi khi có đội nhà thi đấu, các sân vận động Chi Lăng, Quy Nhơn, Vinh, Tự Do, Thanh Hóa luôn đầy ắp khán giả. Bóng đá Bình Định cũng thu hút được sự quan tâm từ rất nhiều cổ động viên (CĐV) trong và ngoài tỉnh, nhưng cách thức hoạt động của Hội CĐV còn nhiều điều đáng phải bàn.
Đội nắng mưa, vào sân trước hàng tiếng đồng hồ, nếu có trục trặc bằng mọi cách phải vào sân xem được đội nhà thi đấu… đó là các CĐV bóng đá. Điều này càng đúng với những CĐV trung thành của bóng đá Bình Định. Họ không toan tính thiệt hơn, không nề hà khó khăn, không bao giờ quay lưng với đội bóng - cho dù đội có thất bại. Có những CĐV rất nhiệt tình với đội bóng, sẵn sàng đi các tỉnh bạn để đồng hành cùng đội. Như anh Nguyễn Hà Ngọc - người đã bỏ ra hơn chục triệu đồng mua sắm “đồ nghề” cổ động cho đội nhà.
Trải qua thời gian, bóng đá Bình Định cũng có nhiều hội CĐV khác nhau, hoạt động với tính chất tự phát là chính, không theo một mô hình cụ thể. Khi Pisico Bình Định thi đấu ở sân Quy Nhơn thì có một Hội CĐV, thi đấu ở các sân khách thì có các Hội CĐV khác. Thực chất đều là những cổ động viên cho đội P.BĐ, nhưng các Hội này lại không có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, không liên lạc với nhau để tạo thành một Hội CĐV duy nhất.
Việc sinh hoạt, cổ động của các Hội CĐV Bình Định cũng có phần khác nhau. Vừa rồi báo Bình Định có giới thiệu một fan club bóng đá Bình Định tại www.binhdinhffc.com, nhưng đây chỉ là nơi sinh hoạt của chủ yếu các CĐV quen dùng mạng Internet và đa phần là xa quê hương. Một số Hội khác không có điều kiện lập website thì sinh hoạt với nhau bằng cách offline với nhau nhiều hơn. Khó khăn chung của các Hội CĐV là hoạt động thiếu tổ chức, thiếu kinh phí.
So với một số các Hội CĐV của một số đội bóng chuyên nghiệp khác ở V-League, CĐV bóng đá Bình Định gặp nhiều khó khăn hơn. Nếu như Hòa Phát Hà Nội tập trung được các CĐV, phân phát vé hay “bao thầu” luôn các khoản chi phí xe cộ cho các CĐV theo đội bóng đi thi đấu sân khách, thì HAGL, Đà Nẵng, TMN.CSG, Bình Dương cũng có những hoạt động tương tự. Với số tiền mua một chiếc áo “Hội CĐV” ủng hộ tượng trưng, bạn có thể vào sân xem miễn phí các trận đấu của đội nhà. Rồi những lần giao lưu, hội thảo giữa CĐV với BLĐ đội bóng… cho thấy cách làm chuyên nghiệp của các CLB.
Ngày 17-4-2003, ông Lê Văn Minh, Giám đốc Sở Thể dục Thể thao - Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Bình Định đã ký Quyết định số 01/QĐ - LĐBĐ về việc “Công nhận CLB Cổ động viên bóng đá Bình Định”. Quyết định nêu rõ: “CLB Cổ động viên bóng đá Bình Định có nhiệm vụ chấp hành nghiêm túc Điều lệ của LĐBĐ Bình Định và hoạt động theo đúng pháp luật của Nhà nước quy định đối với các tổ chức xã hội”. |
Ngày 1-4 vừa rồi, có điều kiện xem trận đấu giữa P.BĐ gặp TMN.CSG trên sân vận động QK7, tôi mới cảm nhận được sự nhiệt tình đến tuyệt vời của CĐV Bình Định tại TP HCM. Từ mọi lứa tuổi, đủ thành phần, họ đã đến sân không quản ngại thời tiết oi bức. 16 giờ trận đấu mới diễn ra nhưng từ 15 giờ cổ động viên đã kéo đến sân giăng cờ, băng rôn, chuẩn bị cờ, kèn, trống rất hoành tráng. Họ còn chuyền tay nhau những bộ đồng phục “màu đỏ” của Hội CĐV để ủng hộ đội bóng. Ngay hôm sau, báo SGGP đã nhận xét: “Tuy làm khách nhưng CĐV của Bình Định đã lấn át CĐV chủ nhà TMN.CSG cả về chất lẫn lượng”.
Tuy nhiên, theo một CĐV thì Hội CĐV Bình Định không được tổ chức bài bản, mạnh ai nấy cổ vũ, lộn xộn, manh mún, không có nhạc trưởng... Không chỉ ở TPHCM mà ở bất cứ nơi đâu khi P.BĐ thi đấu, đoàn quân đất Võ luôn được hậu thuẫn bởi sự cổ động rất nhiệt tình của các CĐV. Nhưng cần lắm một “Mạnh thường quân” cùng Sở TDTT, các cơ quan ban ngành chức năng giúp đỡ để CĐV Bình Định thật sự có một tổ chức, một sân chơi chuyên nghiệp hơn. Hy vọng trong tương lai Hội CĐV Bình Định sẽ lớn mạnh để mãi là đứa con tinh thần của bóng đá Bình Định.
|