Trận đấu giữa Thanh Hóa và Đà Nẵng ở vòng 6 V-League vừa qua đã thu hút đến hơn 30.000 cổ động viên (CĐV). Việc Ban Tổ chức sân Thanh Hóa để nhiều CĐV tràn xuống sân khiến trận đấu phải tiến hành trễ đến hơn 1 giờ đồng hồ, có thể coi là một sự cố nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến kết quả trận đấu. Bởi theo ông Phan Thanh Hùng, HLV của đội bóng sông Hàn, nếu Đà Nẵng thắng trong trận đấu này, liệu Đà Nẵng có rời sân an toàn? Chắc chắn, CLB Thanh Hóa sẽ nhận mức phạt nặng từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.
|
Các cầu thủ sẽ thi đấu hưng phấn hơn nếu khán giả đến sân đông và cổ vũ đúng cách. Ảnh: L.C
|
* Con số trong mơ
Nhìn ở góc độ khác, có thể thấy hơn 30.000 khán giả đến sân để xem một trận đấu quả là một con số mơ ước đối với bất kỳ CLB nào đang thi đấu tại V-League. Ngay cả với Thép miền Nam Cảng Sài Gòn (đội bóng có nhiều CĐV nhất ở TP Hồ Chí Minh, TP có dân số trên 6 triệu người), khi chơi trên sân Quân khu 7 gặp PISICO Bình Định (P.BĐ) ở vòng 5 V-League 2007, cũng chỉ thu hút chưa đến 6.000 khán giả đến sân.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngày càng ít khán giả đến sân để xem đá bóng: chất lượng chuyên môn của các trận đấu không cao, khán giả mất lòng tin vào bóng đá Việt Nam, số trận đấu trong và ngoài nước được truyền hình trực tiếp ngày càng nhiều khiến khán giả bị “bội thực”… Vậy thì tại sao khán giả Thanh Hóa lại “máu mê” đến vậy?
Bởi người dân xứ Thanh đã chờ đợi quá lâu để được chứng kiến đội nhà lên chơi ở giải đấu cao nhất Việt Nam. Thậm chí, họ lên chuyên nghiệp trong khi vẫn đang trạng thái lưỡng lự vì sợ chưa đủ lực để có thể cầm cự ở sân chơi khắc nghiệt này. Rồi trước khi diễn ra V-League 2007, lại có ý kiến cho rằng Thanh Hóa cần phải chơi trên sân trung lập vì cơ sở vật chất của địa phương không đảm bảo. Bởi vậy nên, khi CLB Thanh Hóa khởi đầu mùa giải một cách ấn tượng (5 trận bất bại, chưa tính trận hòa Đà Nẵng), thì CĐV của họ tràn đầy hưng phấn, đến sân để chứng kiến đội nhà làm nên những bất ngờ mới.
* Khi sân nhà không còn là lợi thế
Đôi lúc, sự cuồng nhiệt của các CĐV (luôn muốn đội nhà chiến thắng trước bất kỳ đối thủ nào), lại là sức ép kinh khủng cho đội nhà. Nhiều khi, họ khiến các cầu thủ của mình bị “quê” vì buông ra những lời chỉ trích nặng nề sau một pha bóng hỏng. Có lần, HLV của P.BĐ Dương Ngọc Hùng tâm sự: “Chơi trên sân khách, tâm lý cầu thủ thoải mái hơn rất nhiều so với khi thi đấu tại Quy Nhơn”.
Đây là một nghịch lý và có lẽ chỉ có ở bóng đá Việt Nam. Vì ở các nước khác, sân nhà luôn là một lợi thế rất lớn đối với mỗi đội bóng. Rất nhiều đội tuyển đã biến ưu thế sân nhà thành một nguồn sức mạnh to lớn để giành chiến thắng trước những đối thủ được đánh giá cao hơn. Khán giả xem truyền hình đã nhiều lần chứng kiến hình ảnh CĐV của các CLB sắp xuống hạng ở giải Ngoại hạng Anh vẫn đến sân cổ vũ và… khóc, rồi vẫn vỗ tay khi đội nhà thất bại. Đó mới là những CĐV chân chính. Nhưng tất nhiên, cũng có những CĐV của các đội bóng nước ngoài đã “làm khổ” đội nhà bằng những hành vi quá khích, đánh nhau trên khán đài, dẫn đến việc CLB của mình nhận những hình thức kỷ luật nghiêm khắc.
Do vậy, có thể nói, nếu các CĐV biết đặt niềm tin và cảm xúc của mình đúng chỗ, họ sẽ tiếp thêm sức mạnh cho các cầu thủ, biến sân nhà thành một lợi thế lớn. Còn với những kiểu hành xử tiêu cực, họ đã vô tình tặng thêm đối phương một “cầu thủ thứ 12” để gây khó khăn cho chính đội bóng của mình.
|