Đó là 7 năm thời gian và 1 bước tiến lớn về đẳng cấp. Bóng đá Việt Nam đang lớn dần lên và "chất" dần lên như là hệ quả tất yếu của sự phát triển "doanh nghiệp hóa".
|
Bầu Đức đi "tiên phong" và gặt hái đại thành công khi mang Kiatisak đến VN, thi đấu trong màu áo HA.GL
|
Từ Kiatisuk...
Tháng 2.2002, Kiatisak đặt chân đến Việt Nam. Như một giấc mơ đối với người Gia Lai. Như một quả bom tấn trong làng bóng đá Việt.
Ngôi sao sáng nhất Đông Nam Á đầu quân cho một CLB còn vô danh, lại thuộc "vùng sâu vùng xa" của Việt Nam.
Khỏi phải nói bầu Đức đã tốn công tốn của cỡ nào để lấy được chữ ký của Zico Thái, nhưng bù lại, bản hợp đồng này cho đến tận bây giờ (Kiatisak về nước đã 2 năm) vẫn đang mang về những giá trị rất lớn cho ông và tập đoàn HA.GL.
Nó không chỉ là những chiếc cúp vô địch liên tiếp đổ về phố núi đúng vào giai đoạn HA.GL đang cần xây dựng thương hiệu. Nó không chỉ đưa tên tuổi Ba Đức sang Thái, sang Lào, sang cả châu Âu (xây dựng Học viện HA.GL - Arsenal JMG) - giúp ông chủ họ Đoàn thành công cả trên phương diện bóng đá lẫn kinh doanh.
Nó cũng không chỉ dừng lại ở mức tạo nên những cơn sốt trong lòng người hâm mộ... Từ cái tên Kiatisak, người ta bắt đầu nhìn thấy giá trị thực sự của bóng đá doanh nghiệp - thứ duy nhất có thể đẩy bóng đá quan hệ lùi vào quá vãng.
Làm bóng đá gắn với doanh nghiệp là một hướng đi đúng đắn mà tất cả các đội bóng muốn đạt được các danh hiệu đều phải tuân theo.
Từ khi HA.GL của "Sắc" thống trị V-League 2 mùa liên tiếp (2003, 2004), các nhà vô địch sau đó (ĐT.LA - 2005, 2006 và Bình Dương - 2007, 2008) đều là sản phẩm của các doanh nghiệp hàng đầu, với những cầu thủ ngoại hàng đầu.
Kiatisak có thể không phải người xuất sắc nhất trong số các ngoại binh đã và đang làm mưa làm gió trên sân cỏ Việt Nam. HA.GL cũng đã mất ngai hơn 4 mùa giải gần đây. Nhưng mô hình HA.GL - Kiatisak thì vẫn là một "dream team" chuẩn mực mà bất cứ CLB nào, bất cứ ông bầu nào cũng phải khao khát.
|
Bây giờ, đến lượt Denilson chứng kiến bóng đá Việt Nam sang trang mới?
|
... đến Denilson
7 năm sau triều đại của Kiatisak, bóng đá Việt rơi vào tình trạng bão hòa cầu thủ ngoại.
Trừ những đội bóng nghèo tiền bạc, nghèo quan hệ (hoặc có vấn đề về tổ chức) - kiểu như SLNA, Thanh Hóa hay Nam Định... đành chấp nhận "hàng" kém chất lượng, các CLB thuộc diện "của ăn của để" đều cố gắng kiếm được cho mình một vài ngoại binh "xịn" làm xương sống cho lối chơi.
Sự cạnh tranh khốc liệt về thành tích còn buộc nhiều đội bóng tung tiền ra để biến những ông Tây thành cầu thủ Việt.
Đó là lý do khiến người hâm mộ Việt Nam cũng trở nên "khó tính" hơn đối với các ngôi sao. Thonglao, tiền vệ được coi là hay nhất ĐNÁ, bị lu mờ giữa đám đông những Almeida, Philani, Antonio, Lazaro...
Ngay cả Lee Nguyễn, cầu thủ từng chơi bóng tại châu Âu và được bầu Đức suy tôn là "hay gấp đôi Thonglao" cũng phải chật vật mới bước đầu khẳng định được hình ảnh của mình.
Trong sự bão hòa đó, XM Hải Phòng đột ngột làm một cú sốc: Denilson. Người ta có thể liệt kê cả trang giấy về sự nghiệp của Denilson, nhưng với khán giả Việt Nam, có lẽ chỉ cần một thông tin: anh là nhà vô địch World Cup 2002 trong màu áo Brazil là đủ.
Nếu ai đã từng chứng kiến sự cuồng nhiệt của người hâm mộ đón Olympic Brazil năm ngoái thì sẽ hiểu vì sao Denilson lại gây nên cơn "địa chấn" lớn như vậy ở Lạch Tray.
Xét về đẳng cấp, chỉ có 4 người trong đội hình Olympic Brazil có thể sánh được với Denilson, đó là Ronaldinho, Diego, Anderson và HLV Carlos Dunga.
Cho dù Denilson không còn đỉnh cao phong độ, nhưng danh thủ xứ samba với những vũ điệu "rang lạc" này vẫn thừa khả năng làm ảo thuật ở V-League. Khán giả xếp hàng chờ xem Denilson tập.
Các học trò của "tướng" Dũng cũng ngây người nhìn chỉ để chứng kiến màn khởi động kiểu siêu sao. Đội bóng dành cho Denilson nghi lễ ra mắt long trọng chưa từng có...
Khỏi cần nói về sức mạnh của Hải Phòng khi họ có trong tay những cầu thủ tấn công mẫu mực như Leandro, De Jesus và nay là Denilson.
Ở cái tuổi 32, Denilson vẫn còn làm được rất nhiều điều, nhưng chưa cần anh ra sân, thương hiệu XM Hải Phòng đã được tráng một lớp gương.
Bóng đá Việt Nam nhờ vậy cũng được hưởng lợi từ những cuộc chuyển nhượng đình đám, xô hết ngưỡng này sang kỷ lục khác. Kiatisuk chỉ là nhà vô địch Đông Nam Á, Lee Nguyễn "chạm nóc" cũng chỉ đầu quân cho PSV Eindhoven, nhưng Denilson thì ở một đẳng cấp hoàn toàn khác, anh là nhà vô địch thế giới.
Có lẽ, V-League từ bây giờ sẽ quen dần với việc đón những ngôi sao tầm cỡ thế giới, thay vì chỉ biết chấp nhận những ngoại binh vô danh.
Cũng như ĐTVN, từ bây giờ sẽ quen dần với những chiến thắng cấp độ châu lục (như chúng ta đã và đang làm với Bahrain, U.A.E, Lebanon, Kuwait...), thay vì chỉ biết chấp nhận những thất bại trong tâm thế cọ xát, học hỏi...
Tiền và cơ chế thoáng đã mở cửa cho những cơ hội và anh tài thực sự vào Việt Nam. Bóng đá doanh nghiệp đang tiếp sức và tạo ra sự thay đổi cho hạng Nhất, cho V-League, cho cả ĐTQG...
Từ chức vô địch AFF Cup, chúng ta đang có những cơ sở để vươn xa hơn, trước mắt là ra châu Á. Và một ngày nào đó, World Cup sẽ không còn là một giấc mơ...
. Theo VNN |