Đừng cổ xúy cho hiện tượng Quân khu 4
8:47', 3/6/ 2009 (GMT+7)

Chuyện chế độ dinh dưỡng cho cầu thủ cao - thấp, hợp lý - chưa hợp lý… không phải là chuyện mới. Nhưng gần đây, dư luận lại xôn xao khi nghe tin đội Quân khu 4 (QK4) “ăn sáng bảy ngàn, vững vàng top 3”. Thực hư, tốt xấu quanh chuyện này thế nào? Và liệu nó có liên quan gì đến chúng ta không?

 

Để có thể lực dồi dào, nhất là với cầu thủ ngoại (bìa phải), chế độ dinh dưỡng cho các cầu thủ cần được chú trọng. Ảnh: Văn Lưu

 

* “Có bột mới gột nên hồ”

Có xem và nhìn thấy chuyện ăn uống của các cầu thủ QK4 mới bỗng giật mình: 60.000đồng/người/ngày khi còn ở hạng Nhất, 95.000đồng/người/ngày khi lên V-League. Số tiền trên được chia cho ba bữa ăn hàng ngày, tập trung vào hai bữa chính; còn bữa sáng, thầy trò HLV Vũ Quang Bảo “đóng khung” ở mức… 7.000đồng/người. Với số tiền như vậy, một tô mì gói hay phở cũng không làm các cầu thủ QK4 cảm thấy buồn lòng. So với thời còn đá giải hạng Nhất thì chế độ ấy đã được cải thiện hơn rất nhiều. Ăn khiêm tốn là thế nhưng QK4 vẫn chạy băng băng ở V-League.

Lâu nay, giới hâm mộ thường lấy chế độ lương thưởng, dinh dưỡng của cầu thủ để “quy đổi” sang thành tích mà đội bóng phải gặt hái được. Đà Nẵng hay Ninh Bình là ví dụ điển hình. Cả hai đại gia này đang dẫn đầu các V-League và giải hạng Nhất. Cái câu “Giàu vì gạo, bạo vì tiền” xem ra không phải không có lý. Nhưng giải thích sao về “người anh em” của QK4 là Thể Công. Họ được đãi ngộ tốt hơn, nhưng thành tích của họ thì thua xa QK4. Như vậy, được chăm sóc tốt chưa hẳn sẽ động viên đội bóng đạt thành tích cao. Từ thái cực này, nhiều người đã nhảy sang thái cực kia bằng cách viện đến hiện tượng QK4 để cổ vũ cho quan điểm “sức mạnh ý chí”, “không có bột mà vẫn gột nên hồ”…

Công bằng mà nói, chuyện QK4 được đãi ngộ như thế mà đá được như thế là rất giỏi. Nhưng phải khẳng định rằng, không có gì hay ho trong cái việc phải thắt lưng buộc bụng mà đá, cắn răng mà đá cả. Khi thật sự “cày ải” trên sân, lao động cầu thủ là lao động nặng và tuổi nghề của cầu thủ cũng rất ngắn. Được đãi ngộ thấp như thế, cầu thủ QK4 ắt phải dùng đến phần năng lượng dự trữ. Và chắc chắn họ sẽ dễ chấn thương hơn, tuổi nghề trôi qua nhanh và chịu nhiều bất ổn về sức khỏe sau khi “về vườn”.

Chuyện dinh dưỡng cần thiết như thế nào trong thể thao chuyên nghiệp, hẳn ai cũng rõ. Nhưng với mức ăn thấp như ở đội QK4, dù các đội bóng có thi đấu thành công, nhưng không mấy ai đủ niềm tin để khẳng định rằng họ sẽ đá tốt mãi. Chất lượng bữa ăn thấp, không đủ năng lượng để luyện tập và thi đấu thì việc lấy “tinh thần bù thể lực” là chuyện chẳng đặng đừng. Việc khen ngợi đội bóng QK4 thật ra là một cách làm hại những cầu thủ đó.

* “Bột và hồ” ở Đội Bình Định

Ở Đội bóng đá Bình Định, mức ăn của mỗi cầu thủ là 120.000 đồng/người/ngày, không cao so với mặt bằng chung của bóng đá Việt Nam, nhưng là “niềm mơ ước” của nhiều CLB khác. Mức tiền này được sử dụng cho: ăn sáng + tối (50.000 đồng), hai bữa chính (70.000 đồng). Các món ăn phong phú với những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng được thay đổi thường xuyên, khi thì tôm, cua, lúc thì gà rán, heo quay và các món rau, thịt, cá... Tùy theo chế độ luyện tập và khẩu vị của cầu thủ, bếp ăn sẽ chế biến các món với nhiều hình thức khác nhau, sau đó, trưng bày dưới dạng buffet để dễ dàng lựa chọn. Khi có yêu cầu, bếp ăn cũng sẽ thay đổi món và đưa vào thực đơn những loại thức ăn mới để thay đổi “không khí”.

Cầu thủ Nguyễn Mậu Thìn cho biết: “Tôi thấy thoải mái trong chuyện ăn uống. Các món ăn đều hợp khẩu vị và ngon miệng nên tất cả anh em trong đội đều hài lòng. Ngoài chế độ ăn hai bữa chính, số tiền còn lại được bồi dưỡng thêm bằng các bữa nhẹ và đường, sữa để tăng chất dinh dưỡng”.

Được biết, mức tiền ăn không hoàn toàn “cố định” theo khung đã định sẵn. Những ngày có khối lượng vận động nặng hoặc những chuyến đi tập huấn xa nhà, chế độ ăn sẽ được nâng lên và thay đổi để phù hợp cho toàn Đội bóng.

Chế độ khi đá ở sân nhà là như vậy, còn lúc “làm khách” ở các địa phương khác, Đội Bình Định vẫn được tự do chọn món tại các khách sạn nơi Đội đóng quân, các món ăn được chế biến theo yêu cầu và hợp khẩu vị của cầu thủ.

Xin dẫn lời của HLV người Đức Joachim Fickert, từng dẫn dắt đội An Giang năm 2004, thay cho lời kết: “Ở Việt Nam, nhiều cầu thủ thay vì dùng tiền để ăn uống đàng hoàng thì lại sử dụng tiền đó để giúp gia đình, chơi bời, mua sắm… Và đổi lại bữa sáng của họ chỉ là mì gói, phở… Ăn như vậy thì làm sao có đủ sức để thi đấu? Khi không có nền tảng thể lực tốt, tất yếu dễ bị chấn thương”.

Với Đội bóng đá Bình Định, nhìn xuống để thấy mình được đãi ngộ không đến nỗi nào và nhìn lên để phấn đấu sao cho bằng anh bằng em, có lẽ là cách làm hay nhất hiện nay.

  • Thiên Trúc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bình Định vào bán kết  (03/06/2009)
Bóng đá Việt, từ Kiatisak đến Denilson  (02/06/2009)
Cầu mây nữ Việt Nam vô địch thế giới  (02/06/2009)
Ancelotti trở thành HLV trưởng Chelsea  (02/06/2009)
Arsenal – HAGL JMG lại tuyển tài năng trẻ  (02/06/2009)
HLV Triệu Quang Hà dẫn dắt Thanh Hoá  (01/06/2009)
Nhà vô địch World Cup 2002 gia nhập Hải Phòng  (01/06/2009)
ĐT Việt Nam hạ gục Kuwait ngay trên đất khách  (01/06/2009)
Không nhiều xáo trộn  (01/06/2009)
Việt Nam đọ sức cùng Kuwait bằng tinh thần thi đấu của Barcelona?  (31/05/2009)
Chelsea ngược dòng giành Cup FA  (31/05/2009)
Mơ ước vươn ra đấu trường quốc tế   (31/05/2009)
Vietcombank Quy Nhơn vô địch   (31/05/2009)
Quy Nhơn - những buổi sáng khỏe   (31/05/2009)
Cú sốc lớn cho các VĐV  (29/05/2009)