|
Hai ông chủ người Mỹ của Liverpool đang nợ ngập đầu - Ảnh: Getty |
Những người Ăng-lê vẫn luôn vỗ ngực, giải Ngoại hạng Anh là sân chơi hấp dẫn và đáng xem nhất thế giới. Nhưng liệu đó có còn là giải đấu của người Anh?
Người Anh vẫn luôn tự hào họ là quê hương của túc cầu giáo. Nhưng niềm tự hào đó chỉ tồn tại đến năm 2004, khi FIFA chính thức công nhận Trung Quốc chứ không phải đảo quốc sương mù mới là quê hương của môn thể thao vua? (sau đó, người Anh được FIFA an ủi bằng cách phong cho họ là cái nôi của bóng đá hiện đại).
Tuy nhiên, không chỉ có thế, người Anh còn đang phải chứng kiến không ít niềm tự hào khác dần dần mất đi...
Premiership ngày càng bị "thôn tính" dữ dội
10 năm sau ngày triệu phú người Ai Cập, đồng thời là ông chủ của hệ thống siêu thị Harrods (London), Mohamed Al Fayed, mua lại CLB Fulham với giá 30 triệu Bảng, đã có đến phân nửa các đội bóng tại giải Ngoại hạng rơi vào tầm kiểm soát của những ông chủ nước ngoài.
Sự tự hào và niềm hứng khởi của Premiership đến từ đâu? Tất nhiên, đó là từ những đại gia như Manchester United, Chelsea, Arsenal, Liverpool. Mà hãy nhớ rằng 3/4 CLB đó đang thuộc về những người Mỹ và Nga. Arsenal - CLB duy nhất thuộc tứ đại gia chưa bị thôn tính đến thời điểm này thì vẫn hàng tuần cày ải trên cái SVĐ có cái tên thuộc về người Ảrập (Emirates).
Những niềm tự hào ấy, trên giấy tờ đều không còn là sở hữu của người Anh. Và điều đáng nói là cơn lốc này vẫn chưa hề có dấu hiệu dừng lại. Premier League 2008/2009 mới chỉ khép lại được vài tuần, đã có tới 2 CLB sang tên đổi chủ.
Đầu tiên là Sunderland. "Mèo đen" đã theo tiếng gọi của Liverpool, của M.U... “li dị” ông chủ người Ireland (nhóm đầu tư Drumaville Consortium) để “se duyên” với một ông chủ người Mỹ (tỷ phú Ellis Short). Đến hôm 8.6, tới lượt Bjorgolfur Gudmundsson nhượng lại West Ham cho tập đoàn chuyên kinh doanh bất động sản CB Holding vì những khó khăn về tài chính.
Những vụ sang nhượng này chắc chắn còn tiếp diễn trong thời gian tới, khi mà vẫn còn nhan nhản những thông tin: một nhóm tỷ phú Thái Lan thông qua Peter Reid (HLV trưởng ĐT Thái Lan) đang muốn mua lại Everton, hay việc Mike Ashley tuyên bố sẽ bán Newcastle sớm nhất có thể…
Sự thực, người Anh vốn là những người nặng tính bảo thủ, tôn thờ những giá trị truyền thống. Cứ xem phu nhân tổng thống Barack Obama bị báo giới Anh chỉ trích thế nào chỉ vì hành động… khoác eo nữ hoàng thì biết. Tuy nhiên, trong bóng đá có vẻ như người Anh đang bất lực trong việc duy trì các giá trị truyền thống của mình.
Công bằng mà nói, việc có mặt của những ông chủ mới đã tạo động lực không nhỏ cho sự phát triển của giải Ngoại hạng. Điển hình là trường hợp của Abramovich, tỷ phú người Nga đã biến Chelsea từ một CLB chỉ thuộc vào loại khá ở Premier League thành một thế lực thực sự không chỉ trong biên giới Anh.
Thế nhưng, không phải mọi trường hợp đều êm xuôi như thế. Trường hợp đầu tư vô điều kiện về mặt tiền bạc như của Abramovich chỉ là thiểu số (có thể kể thêm ADUG & Man City). Phần lớn, những nhà đầu tư khác đều coi những đội bóng Premier League là miếng bánh sinh lợi béo bở.
Họ tìm mọi cách để nhảy vào kể cả phải vay nợ, vì thế mà cả Liverpool lẫn Manchester United đều đang ngập đầu trong nợ (theo báo cáo mới chất Tom Hicks - George Gillett đang nợ tới 350 triệu Bảng).
Những khoản nợ ấy chẳng khác nào một quả bom nổ chậm. Bài học nhãn tiền của những đại gia 1 như Lazio, Parma… hay mới nhất là Valencia rơi tự do vì ngập ngụa trong nợ vẫn còn nguyên giá trị.
Không phải những người làm bóng đá Anh không biết những nguy cơ ấy. Song họ lại không có công cụ để giải quyết tình hình. Đơn giản bởi luật pháp Anh cho phép điều đó.
Đâu là nguyên do?
Ở Tây Ban Nha các CLB lớn như Barcelona hay Real Madrid đều thuộc hình thức sở hữu công cộng, các hội viên có thẻ của CLB bầu ra chủ tịch theo nhiệm kỳ, và chủ tịch điều hành đội bóng. Dĩ nhiên chẳng có cách nào mua được các CLB như vậy, vì nó chẳng thuộc về ai.
Ở Đức, Bayern và Schalke cũng thuộc loại hình sở hữu này. Bên cạnh đó 1 số đội bóng lại gắn liền với thương hiệu của các tập đoàn lớn như Bayer Leverkusen thuộc hãng dược phẩm Bayer , Wolfsburg thuộc hãng xe Volksagen… tức là rất ít có khả năng bị bán đi (trừ khi tập đoàn sụp đổ).
Trong khi đó tại Pháp, các đội bóng lại có sự gắn bó nhất định với chính quyền địa phương (thường được chính quyền trợ cấp 1 khoản nhất định). Đồng thời luật pháp Pháp cũng chưa cho phép các đội bóng được tự do thả nổi trên thị trường chứng khoán.
Italia là đất nước có hình thức sở hữu giống ở Anh nhất, khi quyền sở hữu thường thuộc về một ông chủ nhất định. Tuy nhiên, thực tế cũng rất khó mua lại các đội bóng Italia bởi nó gắn liền với tình yêu thực sự, cũng như thương hiệu của những tập đoàn, những nhân vật quan trọng (điểm này khá giống ở Đức).
Hãy thử tưởng tượng, uy tín trên chính trường của Berlusconi sẽ ra sao nếu ông ta bán AC Milan hay có lẽ nào Moratti nhượng lại đứa con tinh thần Inter Milan của mình.
Trong khi đó ở Anh chẳng có gì ràng buộc cả, ai cũng có thể đứng ra mua đội bóng miễn có đủ tiền. Một quan chức cấp cao của bộ Văn hóa Anh từng kêu gọi “FA phải làm sao để bảo đảm được rằng những người nước ngoài mua CLB ở Premier League trước tiên phải có tình cảm với đội bóng mà họ mua”.
Thế nhưng, kể cả nó có được đưa vào thực thi thì đây rõ ràng vẫn chỉ là một yếu tố hết sức cảm tính. Làm thế nào để đánh giá có tình cảm hay không thì có lẽ chỉ Chúa mới rõ!
Và bởi thế người Anh cũng chỉ biết ngậm ngùi nhìn những niềm tự hào của họ bị mua đi, bán lại chẳng khác nào một món hàng tầm thường nhất (đồng thời nguyện cầu cho quả bong bóng nợ nần đừng có phát nổ).
Ai mà chẳng chạnh lòng khi thấy một ông vua dầu mỏ Trung Đông từng tuyên bố thẳng tưng với người đại diện của Liverpool mua CLB giàu truyền thống nhất nước Anh “chỉ để làm quà cho em trai”!
. Theo VNN |