|
Du khách mua sắm tại chợ Bến Thành chiều 21.6.2009. |
Trong khi nhiều ngành kinh tế khác đang có dấu hiệu hồi phục thì ngành du lịch như bị “vận xui” đeo bám khi dịch cúm A/H1N1 bùng phát. Khách quốc tế đến Việt Nam (VN) tiếp tục sụt giảm mạnh. Trong 2 tháng 5 và 6.2009, nhiều thị trường khách trọng điểm của du lịch VN qua các công ty đã sụt giảm đến 70% lượng khách.
Khách quốc tế sụt giảm mạnh
Trong nhiều năm gần đây, thị trường khách quốc tế đến VN từ các nước trong khu vực châu Á vẫn chiếm giữ một vị trí quan trọng. Trong top 10 thị trường dẫn đầu lượng khách đến VN có tới 6 thị trường quen thuộc như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc).
Tuy nhiên, chỉ trong 2 tháng, dịch cúm A/H1N1 đã có tác động mạnh mẽ đến ngành du lịch, nhiều thị trường trọng điểm của du lịch VN ở châu Á đã sụt giảm mạnh. Trong đó, thị trường khách Nhật qua nhiều công ty du lịch tại VN đã sụt giảm đến 70% lượng khách so với cùng thời điểm năm trước. Nhiều công ty du lịch chuyên về thị trường khách Nhật méo mặt vì phải hủy các tour đăng ký từ 2 - 3 tháng trước.
Hiện nay, các công ty du lịch không thể biết trước được khách trong tháng 7 tới là bao nhiêu. Đây là điều không vui vì thói quen đi tour của khách Nhật thường đăng ký trước 2 - 3 tháng, ít nhất cũng phải 1 tháng.
Chị B.T.My, hướng dẫn viên khách Nhật của Công ty Du lịch V., cho biết, trước đây, ngày nào chị cũng có lịch dẫn đoàn khách inbound (khách Nhật vào VN) đi tham quan TPHCM và các tỉnh lân cận. Nhưng gần đây, đôi khi 2 tuần mới dẫn một đoàn. Bây giờ chị chuyển sang dẫn khách outbound từ VN sang du lịch tại Nhật.
Không quá khó khăn như thị trường khách Nhật nhưng các thị trường khác nhìn chung đều giảm trung bình khoảng 20%-30%.
Các khách sạn lớn, cao cấp tại TPHCM cũng rơi vào cảnh “nhức mình”, với công suất phòng bình quân hiện nay chỉ khoảng 56%. Trong đó, khối khách sạn 4 - 5 sao giảm nhiều hơn, trung bình chỉ khoảng 40%-50%, giảm đi 40% so với năm trước. Và nguy cơ sụt giảm sẽ nhiều hơn khi mùa du lịch quốc tế đang vào mùa thấp điểm. Hiện giá phòng khách sạn cao cấp tại TPHCM đã giảm 40%-50% so với năm trước.
Trước nhiều khó khăn hiện nay, ngành du lịch VN sẽ khó đạt được mục tiêu đón 4,5 triệu khách quốc tế trong năm nay và khả năng chỉ có thể đón hơn 3,2 triệu khách (giảm khoảng 20% so với năm 2008).
Chuẩn bị cho “hồi phục”
Theo công bố mới đây của Công ty kiểm toán và tư vấn doanh nghiệp Grant Thornton Việt Nam về kết quả khảo sát tình hình kinh doanh khách sạn tại VN trong năm 2008, công suất phòng khách sạn cao cấp tại VN đã giảm ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua.
Theo đó, ngành du lịch VN đã có những bước tiến đáng kể trong tăng trưởng thu hút khách quốc tế và nằm trong những nước có tỷ lệ tăng trưởng cao ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nhưng đi cùng với đó là những hệ lụy, cơ sở vật chất, phòng ở cao cấp không đủ đáp ứng, kéo theo cán cân cung không đủ cầu là giá phòng khách sạn cao cấp tăng. Giá phòng tăng đã tạo ra sự sứt mẻ giữa doanh nghiệp lữ hành và khách sạn và điều này đã được đặt ra với ngành du lịch VN trong nhiều năm nay. Đã có lúc giá phòng khách sạn cap cấp của VN tăng cao 30%-40% so với nhiều nước trong khu vực và từ đây đã tạo ra sự so sánh.
Mới đây, Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hiệp quốc (UNWTO) dự báo, ngành công nghiệp không khói đóng góp gần 10% GDP vào kinh tế thế giới sẽ vượt qua những tác động tiêu cực của sự suy thoái kinh tế toàn cầu, ít nhất vào năm 2010.
Theo ước tính, khách du lịch trên toàn thế giới sẽ tăng từ 900 triệu lượt người hiện nay lên hơn 1 tỷ lượt người vào năm 2010 và có thể đạt gần 1,6 tỷ lượt người vào năm 2020. Sự hồi phục này thể hiện rõ nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, khu vực có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới nhờ sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu mới.
Hy vọng rằng cùng với việc đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp đang gia tăng tại TPHCM, các doanh nghiệp du lịch sẽ có sự tính toán hợp lý, kinh doanh mang tính bền vững hơn để chuẩn bị cho sự “trở lại” của ngành du lịch được dự báo sẽ hồi phục trong 1 - 2 năm tới.
. Theo SGGP |