Như tin đã đưa, Liên đoàn Võ thuật tỉnh (LĐVT) vừa tổ chức thành công Đại hội khóa V. PV Báo Bình Định đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Khắc Diện về hướng phát triển của võ thuật Bình Định trong thời gian tới, sau khi ông được bầu vào chức danh cao nhất của tổ chức này.
|
Một trận đấu tại Giải vô địch boxing và võ cổ truyền toàn tỉnh năm 2011.
|
* Xin ông cho biết khái quát tình hình hoạt động của LĐVT tỉnh trong thời gian qua?
- Nhìn chung, những năm qua các hội võ thuật ở các huyện, thành phố đã duy trì được hoạt động, có những đóng góp to lớn trong phát triển phong trào ở cơ sở, đóng góp nhiều võ sĩ tài năng cho tỉnh, trên cơ sở đó đã giúp các đội tuyển của tỉnh giành nhiều thành tích xuất sắc tại các kỳ thi đấu quốc gia cũng như giao lưu quốc tế. LĐVT tỉnh cũng đã kiện toàn hệ thống tổ chức thi đấu, nâng cao trình độ võ sư, huấn luyện viên, võ sinh. Phối hợp cùng các ngành liên quan tổ chức thành công 3 kỳ Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam, để lại những ấn tượng và tình cảm tốt đẹp trong lòng người dân và các đoàn tham dự.
Công tác bảo tồn võ cổ truyền Bình Định được LĐVT chú trọng khi cùng các đơn vị liên quan thực hiện Dự án “Làng võ cổ truyền Tây Sơn - Bình Định” với 4 sản phẩm: báo cáo khoa học (35 trang), phim tư liệu (35 phút), tập ảnh khảo tả (100 tấm) và băng ghi âm. Tiếp đó, triển khai Dự án Bảo tồn di sản võ cổ truyền với đề tài “Chân dung một số võ sư, võ nhân tiêu biểu tỉnh Bình Định”. Đây là nguồn tư liệu quý, góp phần phục vụ công tác nghiên cứu, tìm hiểu về võ cổ truyền Bình Định, phục vụ quá trình định hướng xây dựng, phát triển và gợi mở nhiều việc cần làm để bảo tồn và phát triển võ học Bình Định.
* Theo ông, cần phải làm gì để thúc đẩy phong trào tập võ phát triển mạnh mẽ hơn nữa?
- Tồn tại lớn nhất của nhiệm kỳ qua là chưa đưa được võ vào trường học, và dù đối tượng tập võ hiện nay hầu hết là học sinh, nhưng chỉ có khoảng 5.000 người thường xuyên tập võ là chưa tương xứng với truyền thống của tỉnh. Các cuộc thi đấu giao hữu trong và ngoài tỉnh ngày càng hạn chế về số lần, quy mô tổ chức và chất lượng chuyên môn cũng chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Nhiều môn võ chủ yếu tập trung hoạt động ở TP Quy Nhơn, mà chưa mở rộng đến các huyện.
Để thúc đẩy phong trào võ thuật ở cơ sở phát triển mạnh hơn, chúng ta cần phải có đội ngũ huấn luyện viên giỏi ở các địa phương, thường xuyên tạo điều kiện để các huấn luyện viên, võ sư được tập huấn, nâng cao trình độ. Chỉ khi phong trào ở cơ sở vững mạnh thì các đội tuyển mới mạnh. Ngoài việc tìm các tài liệu tập luyện theo quy định của môn phái, các bộ môn võ cần chủ động giao lưu với các câu lạc bộ, đội tuyển mạnh ở các tỉnh, thành để học tập và trao đổi kinh nghiệm, nâng cao hơn nữa thành tích tập luyện và thi đấu. Để làm được điều đó, các bộ môn phải tìm được những nhà tài trợ, thu hút được đông đảo võ sinh tham gia để vừa có kinh phí hoạt động ổn định, vừa có sự chuẩn bị tốt về chuyên môn tham gia các giải.
* Một trong những sự kiện lớn của võ thuật năm 2012 là tỉnh ta sẽ tổ chức Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền lần IV. Vậy công tác chuẩn bị đã tới đâu, thưa ông?
- Hiện nay, kế hoạch tổ chức Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Bình Định lần IV đã được UBND tỉnh thông qua. Kịch bản khai mạc, bế mạc Liên hoan đang được chỉnh sửa, một số phần việc đã được triển khai đến các bộ phận. Dự kiến các chương trình nghệ thuật sẽ được thực hiện với sự dàn dựng của đạo diễn Lê Quý Dương. Ngành thể thao đã cử cán bộ cùng các ban ngành liên quan đi khảo sát, bàn bạc với 6 lò võ tiêu biểu để đầu tư những hạng mục cần thiết, đảm bảo trở thành những địa điểm khang trang, phục vụ biểu diễn và tìm hiểu của các đoàn võ thuật trong và ngoài nước về tham gia Liên hoan.
* Xin cảm ơn ông!
|