Tết năm nay, lần đầu tiên thôn Lộc Ngãi, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước tổ chức giải bóng chuyền Xuân với cái tên khá lạ - “Ba cha con”. Tuy tổ chức lần đầu nhưng không phải vì cái tên lạ mà người ta đến xem và cổ vũ. Đơn giản vì...
Vì Lộc Ngãi là địa phương có truyền thống tốt về thể thao, trong đó nổi bật là môn bóng chuyền. Nơi đây được xem là lò đào tạo vận động viên bóng chuyền cho huyện Tuy Phước và một thời gian dài đã cung cấp nhiều vận động viên tốt cho tỉnh. Riêng môn bóng chuyền, hàng năm xã Phước Quang tổ chức tới 6 - 7 giải bóng chuyền nhân các ngày lễ lớn trong năm, tại các giải đấu ấy, đội bóng của thôn Lộc Ngãi luôn đoạt thứ hạng cao.
|
Đông đảo người dân đến xem cổ vũ trận chung kết. |
Tết năm nay, thôn Lộc Ngãi tổ chức giải bóng chuyền đặc biệt - Giải bóng chuyền Ba cha con (mỗi đội gồm ba cha con ruột trong một gia đình). Tuy giải quy mô cấp thôn nhưng được tổ chức khá bài bản. Người có công lớn trong việc vận động thành lập giải là ông Võ Thành Sung, Trưởng thôn, kiêm Phó bí thư chi bộ thôn Lộc Ngãi. Để có kinh phí tổ chức giản, ông Sung đã vận động các mạnh thường quân đóng góp, người ít thì vài chục ngàn đồng, người kha khá thì vài trăm ngàn đồng. Ông đứng ra lĩnh việc tổ chức giải và kiêm luôn nhiệm vụ trọng tài cho các trận đấu.
Giải đấu cấp thôn nhưng diễn ra từ chiều 29 Tết đến mùng 3 Tết, và đặc biệt có tới 12 đội đến từ gia đình các xóm: Đông, Tây, Nam, Bắc trong thôn tham gia, chia làm 4 bảng. Sau khi thi đấu vòng tròn tính điểm, 4 đội nhất các bảng vào thi đấu chung kết. Kết thúc giải đấu, ba cho con ông Nguyễn Văn Sáu (Sáu Khèo, từng là vận động viên của đội Xăng dầu Nghĩa Bình - đội bóng chuyền hạng A1) đã dành giải Nhất, với phần thưởng 1 triệu đồng; giải Nhì ba cha con ông Võ Văn Dư, với phần thưởng 800 ngàn đồng; giải Ba thuộc về ba cha con ông Tạ Văn Cường, với phần thưởng 600 ngàn đồng; giải Tư thuộc về ba cho con ông Phạm Đình Văn, với phần thưởng 400 ngàn đồng.
Từ ngày diễn ra vòng đấu loại đến trận đấu chung kết, đông đảo người dân trong thôn tập trung về sân bóng nằm tại ngã ba thôn để xem, cổ vũ. Từ cụ già tuổi cao, những bác nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, những người đi làm ăn xa nhà có dịp đoàn tụ gia đình trong dịp Tết, đến học sinh quanh năm mải việc học đều tranh thủ đến sớm chọn cho mình những chỗ xem thuận lợi nhất.
|
Trao giải Nhất cho ba cha con ông Nguyễn Văn Sáu. |
Trong sắc màu đỏ rực của cờ, khẩu hiệu mừng Đảng, mừng Xuân, những tràng vỗ tay, là những trận đấu diễn ra đầy kịch tính với những cú giao bóng mạnh mẽ, những đường chuyền khéo léo, những pha bật cao ghi điểm của các cầu thủ trong gia đình. Chỉ là giải đấu phong trào song một số cán bộ thể thao chuyên nghiệp đã đánh giá rất cao tố chất, trình độ, kỹ thuật, tư duy chiến thuật của các vận động viên tham gia giải đấu này.
Anh Phạm Đình Tuấn, một người dân địa phương làm ăn xa, dịp Tết mới về thăm gia đình, tâm sự: "Tôi rất bất ngờ khi thôn đứng ra tổ chức giải bóng chuyền Ba cha con, giải đấu thật ý nghĩa, không những thu hút các thành viên trong gia đình tham gia mà rất đông người dân đến xem, cổ vũ một cách sôi nổi. Giải đấu còn tạo sân chơi đầy bổ ích cho mọi người, giúp mọi người vừa rèn luyện sức khỏe, hạn chế được rượu chè, cờ bạc trong những ngày Tết. Và điều quan trọng, qua giải đấu đã tạo thêm sự gắn kết giữa mọi người dân trong thôn với nhau".
Theo ông Võ Thành Sung, lần đầu tiên thôn tổ chức giải và đã thành công ngoài mong đợi, người dân rất phấn khởi, nhiều mạnh thường quân đề nghị tiếp tục duy trì thành giải đấu thường niên mừng Đảng mừng Xuân nhân dịp Tết đến. Bởi vậy, lãnh đạo thôn đã thống nhất sẽ tổ chức giải đấu quy mô lớn hơn trong Tết năm sau.
|