|
Nhiều cầu thủ của CLB Bóng đá Hà Nội (trái) đang lo lắng về tương lai của mình. |
Tại Lễ tổng kết mùa giải 2012 vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã quyết định lùi thời điểm bốc thăm, xếp lịch thi đấu mùa giải 2013. Động thái này được xem là hợp lý, trong bối cảnh nhiều CLB chưa thực sự sẵn sàng cho mùa bóng mới.
Khi “cơn bão” đi qua
Trong vài năm gần đây, V-League được ví như một giải bóng đá ngành ngân hàng mở rộng, bởi rất nhiều đội bóng nhận được sự tài trợ của các ngân hàng. Do đó, khi “sức khỏe” của một số ngân hàng có vấn đề, cộng với ảnh hưởng của tình hình suy thoái kinh tế, lập tức một số đội bóng rơi vào khó khăn. CLB bóng đá Hà Nội là đội bóng đầu tiên cảm thấy hụt hẫng, sau khi ông “bầu” Nguyễn Đức Kiên bị bắt. Tiếp đó, để tránh bị phản ứng về việc “một ông chủ hai đội bóng”, ông “bầu” Đỗ Quang Hiển tuyên bố thoái vốn tại Công ty CP Thể thao T&T và Công ty CP Thể thao SHB Đà Nẵng. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình chuẩn bị cho mùa bóng mới của hai CLB đứng đầu V-League 2012.
Mới đây, ông “bầu” Nguyễn Vĩnh Thọ của CLB Navibank Sài Gòn cũng đề nghị trả lại đội bóng cho Liên đoàn Bóng đá TP Hồ Chí Minh. Cả CLB Hải Phòng và CLB Navibank Sài Gòn đều không cử đại diện tham dự Lễ tổng kết mùa giải 2012. Tương lai của hai đội bóng này và có thể còn một vài CLB khác vẫn là dấu hỏi. Bởi, theo Chủ tịch HĐQT VPF Võ Quốc Thắng, không phải tất cả các bản đăng ký tham dự mùa giải tới đều do những người có quyền quyết định tối cao như Chủ tịch CLB ký, mà có thể đó là Giám đốc điều hành nên chưa đảm bảo chắc chắn.
Trước tình hình khó khăn chung của nhiều CLB, VPF đã đưa ra một số giải pháp để giải đấu năm tới có thể diễn ra theo đúng tiến độ. Ông Phạm Ngọc Viễn, Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) kiêm Tổng Giám đốc Công ty VPF, cho biết: “Trong trường hợp có một đội rút khỏi V-League, VPF sẽ đôn CLB xếp hạng 3 Giải hạng nhất 2012 lên chơi ở V-League và đôn CLB tương tự ở hạng Nhì lên hạng Nhất. Nếu có hai CLB rút khỏi V-League, VPF sẽ không đôn CLB nào mà tổ chức giải với 12 đội. Nếu trường hợp có bốn CLB rút khỏi V-League thì V-League sẽ vẫn tổ chức dù chỉ có 10 đội tham dự”.
Tuy nhiên, việc đôn đội bóng lên chơi ở hạng cao hơn có thể không hợp lý, khi các CLB chưa có sự chuẩn bị về tài chính, lực lượng. Phương án tiếp theo là tăng các mức thưởng lên và Ban Tổ chức hỗ trợ thêm kinh phí cho các đội dự giải.
Cơ hội nhìn lại
Trên cương vị Chủ tịch HĐQT Eximbank, ông Lê Hùng Dũng đã khẳng định tại Lễ tổng kết mùa giải 2012 rằng, Eximbank cam kết thực hiện hết bản hợp đồng tài trợ cho V-League có thời hạn 3 năm đã ký kết trước đây. Theo tính toán lũy kế thì số tiền tài trợ cho V-League 2013 vào khoảng 40 tỉ đồng. Và tuy hoãn lễ bốc thăm, công bố lịch thi đấu nhưng kế hoạch mùa giải mới không bị ảnh hưởng nhiều, khi các giải đấu trong nước vẫn có thể diễn ra như lịch dự kiến là trung tuần tháng 1 năm sau.
Ở những năm trước, đây là thời điểm các CLB bắt đầu triển khai kế hoạch tập luyện và ráo riết chuẩn bị lực lượng cho mùa bóng mới. Những bản hợp đồng “bom tấn” với các cầu thủ được ký kết; những vụ chuyển nhượng đình đám với nhiều kỷ lục mới về giá trị được thiết lập… Tuy nhiên, điều đó dường như khó được tái hiện trong năm nay.
Trong cuộc trò chuyện mới đây, một lãnh đạo ngành thể thao Bình Định cho rằng, bóng đá Việt Nam rơi vào tình cảnh hiện nay là do cách điều hành của VFF. Chính sự nôn nóng đưa bóng đá Việt Nam lên chuyên nghiệp cùng sự “thể hiện” thái quá của các ông “bầu” đã khoác lên mình giới cầu thủ một giá trị ảo. Từ đó tạo nên những hệ lụy tiêu cực, không chỉ xảy ra trong môi trường bóng đá mà còn ảnh hưởng đến nhiều mặt của xã hội. Vì vậy, đây chính là thời điểm thích hợp để những người có trách nhiệm nhìn nhận lại cách làm, để đưa bóng đá Việt Nam phát triển một cách căn cơ, bền vững hơn.
|