V-League 2013 lùi ngày đăng ký thêm một tháng
18:6', 3/11/ 2012 (GMT+7)

Để phù hợp với tình hình khó khăn của các CLB, VFF và VPF cho lùi thời hạn đăng ký tham dự mùa giải, giảm mức kinh phí hoạt động tối thiểu của mỗi CLB.

Nhiều thay đổi quan trọng của Quy chế bóng đá chuyên nghiệp được thông qua trong Hội thảo chuẩn bị mùa giải 2013 của VFF và VPF diễn ra sáng nay tại Hà Nội.

Đầu tiên, phương án lùi thời hạn cuối đăng ký tham dự mùa giải 2013 tới ngày 8.12 được thông qua với đa số phiếu của các đại diện CLB. Theo kế hoạch ban đầu, tại hội thảo hôm nay, số lượng đội bóng tham gia V-League và hạng nhất sẽ được chốt để sẵn sàng cho lễ bốc thăm chia lịch đấu cho mùa giải mới. Tuy vậy, theo thông báo của ông Trần Duy Ly - Trưởng ban tổ chức V-League, tính tới lúc này, chỉ có 12/14 đội đăng ký dự V-League, 12/14 đội khẳng định sẽ thi đấu ở hạng Nhất. Vì thế, thời hạn cuối đăng ký dự giải cho các đội lại được lùi lại thêm một lần nữa. Sau đó, lễ bốc thăm lịch đấu dự kiến diễn ra ngày 15.12 và vòng đấu đầu tiên sẽ tổ chức vào giữa tháng 1.2013.

 
Trưởng BTC V-League Trần Duy Ly. Ảnh: Mai Hương.

Ngoài việc lùi hạn, công tác chống bể giải cũng được tính toán. Phó chủ tịch VFF và VFP Lê Hùng Dũng phân tích: “Hiện tại, ban tổ chức đang chờ các CLB hoàn thành các thủ tục để đăng ký vào giải đấu hợp lệ. Tuy nhiên, việc quan trọng nhất hơn là phải đảm bảo những đội bóng đó có thể duy trì hoạt động cho tới hết giải. Nếu giải diễn ra một hai vòng, có một đội xin bỏ giải vì không đủ tài chính thì ban tổ chức sẽ tính sao”. Thậm chí, ông Dũng tuyên bố theo tìm hiểu của mình, trong mùa giải tới chỉ có khoảng 10 CLB đủ tiềm lực tài chính để tham gia hết V-League.

Đáp lại, ông Trần Duy Ly cho biết: “Sau khi các CLB đăng ký tham dự giải, VPF có nhiệm vụ thẩm định năng lực tài chính và các tiêu chí khác xem đội có khả năng hoàn thành giải hay không trước khi tổ chức lễ bốc thăm, phân chia lịch đấu”.

Liên quan đến số lượng ngoại binh của mỗi đội bóng, quy chế mới cũng được áp dụng từ mùa giải 2013 theo hướng giảm cầu thủ nước ngoài thi đấu ở Việt Nam. Theo đó, từ năm tới, mỗi đội bóng V-League chỉ có thể đăng ký 3 ngoại binh và sử dụng tối đa 3 người trong một thời điểm. Ở hạng nhất, con số này là 2 ngoại binh và thi đấu 2 người. Quy định ở giải hạng nhất áp dụng cho cả Cup quốc gia và Siêu Cup quốc gia.

Tuy nhiên, quy định này bị đặt nghi ngờ về tính khả thi khi các đội bóng dễ dàng lách luật bằng cách tăng số lượng cầu thủ nhập tịch. Đây cũng là băn khoăn của Chủ tịch CLB Thanh Hóa Nguyễn Văn Đệ. “Theo tôi nên tính chung cầu thủ nhập tịch và cầu thủ ngoại vào cùng một nhóm Tây. Từ đó, đưa ra quy định về số lượng cầu thủ Tây trên sân trong một trận đấu thì hợp lý hơn”. Trả lời về thắc mắc này, ông Phạm Ngọc Viễn cho biết: “Cầu thủ nhập tịch đều có đầy đủ quyền lợi của công dân Việt Nam theo pháp luật. Vì thế, những điều khoản sửa đổi trong quy chế mới phải tôn trọng pháp luật”.

Trong cơn khủng hoảng của bóng đá Việt Nam, những thay đổi về chế tài quản lý các cầu thủ rất được quan tâm. Theo đó, các cầu thủ trẻ sẽ được ưu tiên phát triển hơn trước. Một đội bóng buộc phải có tối thiểu 3 cầu thủ Việt Nam không quá 22 tuổi đăng ký trong danh sách 20 người tham dự mỗi trận.

Lương cầu thủ ở V-League được quy định mức tối thiểu là 10 triệu đồng (gấp 5 lần mức lương cơ bản Nhà nước quy định cho khối doanh nghiệp tại khu vực một). Tại giải hạng nhất, một cầu thủ nhận lương tháng ít nhất là 6 triệu đồng (gấp 3 lần mức lương cơ bản Nhà nước quy định cho khối doanh nghiệp tại khu vực một).

Trong thời kỳ phát triển nóng của bóng đá Việt Nam, nhiều cầu thủ nhận mức lương được đánh giá là quá cao so với thu nhập trung bình của xã hội. Tuy nhiên, tại Hội thảo này, thu nhập tối đa của cầu thủ không có quy định khống chế. Ông Lê Hùng Dũng giải thích: “Ban tổ chức, VFF cũng như VPF không nên kiểm soát mức lương trần mà CLB trả cho cầu thủ. Trên thế giới, các Liên đoàn bóng đá cũng chỉ khuyến cáo nhưng không có quy định về vấn đề này bởi đây là thỏa thuận riêng của đội bóng với cầu thủ. Chúng ta chỉ giám sát nguồn tài chính của CLB trong bản đăng ký tham dự giải, để biết họ lấy tiền ở đâu để trả cho cầu thủ”.

Liên quan đến thu nhập của VĐV, Giám đốc điều hành CLB Quảng Nam Nguyễn Húp còn phân tích: “Tôi hoan nghênh quy định cấm CLB trả tiền lót tay cho cầu thủ. Tất cả các khoản chi này phải được ghi đầy đủ vào hợp đồng lao động để có thể kiểm soát được. Các ông chủ đội bóng khi muốn có cầu thủ thì nên đàm phán trực tiếp với lãnh đạo đội bóng sở hữu cầu thủ, chứ không nên bỏ nhỏ với cầu thủ khiến họ chểnh mảng tập luyện hay thậm chí cố tình vi phạm kỷ luật để được ra đi". 

Trong tình hình kinh tế khó khăn, quy chế về mức kinh phí hoạt động tối thiểu của các CLB cũng được thay đổi. Theo đó, một CLB V-League cần chứng minh đủ 35 tỷ đồng để dự một mùa giải (trước đó là 40 tỷ đồng). Con số này với một CLB hạng nhất là 20 tỷ đồng (mùa 2012 là 25 tỷ đồng). Sự thay đổi này nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của các đại diện đội bóng có mặt ở Hội thảo.

. Theo VnExpress

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tái đấu cùng đương kim vô địch  (01/11/2012)
Chelsea 5-4 M.U: Chủ nhà thắng ngược nghẹt thở  (01/11/2012)
Bóng đá Tây Sơn “mài sắt…”  (30/10/2012)
Gầy dựng phong trào theo hướng mới   (30/10/2012)
Chelsea 2-3 M.U: Cầu Stamford sập trong sắc “đỏ”  (29/10/2012)
Ghi nhận sự tiến bộ  (28/10/2012)
Phù Mỹ: Đẩy mạnh phong trào thể thao trong trường học  (28/10/2012)
Tevez giải cứu Man City  (28/10/2012)
Tiệc bàn thắng ở Stamford Bridge?  (27/10/2012)
Tiếp tục hoàn thiện  (27/10/2012)
VFF Cup 2012, Việt Nam 4-0 Lào: Tìm lại nụ cười  (27/10/2012)
Liverpool gieo sầu cho Hiddink ngày trở lại Anh  (26/10/2012)
Cải thiện hàng công!  (25/10/2012)
Schalke 04 “đánh sập” Emirates  (25/10/2012)
Hài lòng về… thể lực  (24/10/2012)