Tại Giải vô địch đồng đội cờ tướng toàn quốc năm 2012, diễn ra ở Nha Trang (Khánh Hòa) tháng 10 vừa qua, đội tuyển cờ Bình Định đã giành được 1 HCĐ đồng đội nữ. Đó là thành tích đáng ghi nhận của các kỳ thủ nữ đất Võ, khi lực lượng còn khá mỏng. Đặc biệt hơn, để giành được thành tích đó, các VĐV đã phải khắc phục rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Đơn cử như trường hợp VĐV Hồ Thị Thanh Hồng, vì muốn sát cánh cùng đồng đội ở giải đấu này, đã phải dẫn theo một người em để trông coi đứa con mới 6 tháng tuổi của mình trong lúc tập trung thi đấu. Cách đây 2 năm, cũng chính Thanh Hồng là người giành tấm HCV cá nhân môn cờ tướng cho thể thao Bình Định tại Đại hội TDTT toàn quốc. Khi đó, cô cũng vừa mới trở lại tập luyện và thi đấu sau thời gian nghỉ sinh.
Những chuyện tương tự như vậy không phải là hiếm trong làng thể thao Bình Định. Có thể kể ra đây chuyện của VĐV Phạm Thị Lành, khi cô trở lại tập luyện chỉ 6 tháng sau khi sinh con. Để rồi ngay sau đó “cô gái sinh ra để tập võ” (từng vô địch quốc gia ở 3 môn võ khác nhau: taekwondo, pencak silat và võ cổ truyền) giành tấm HCV tại Giải vô địch võ cổ truyền toàn quốc năm 2008.
Có chứng kiến những tấm lưng trần ướt đẫm mồ hôi của các VĐV trong giờ tập luyện, những chế độ tập và ăn uống khắc nghiệt lúc ép cân, hay những bước đi tập tễnh vì chấn thương của các VĐV mới thấy được sự hy sinh của họ cho thể thao tỉnh nhà. Còn rất nhiều thứ họ phải đánh đổi nữa để cố gắng giành được thành tích cao nhất. Những ai hướng lên bục nhận huy chương, nhìn những nét mặt rạng ngời đều thầm mong “ước gì mình được như thế”. Dù vậy, cũng có rất nhiều VĐV vì lý do nào đó chưa được vinh danh trong một giải đấu cụ thể, nhưng họ cũng rất xứng đáng nhận được những “tấm huy chương” dành cho những đóng góp âm thầm, hay sự hy sinh vì cái chung. Bởi trong thể thao, ranh giới giữa vinh quang và “vực thẳm” đôi lúc rất mong manh!
|