|
Thi đấu cầu lông ở nhà thi đấu huyện Hoài Ân. Ảnh: VÕ CHÍ HÀ |
Đến nay, hầu hết các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đều có Nhà thi đấu đa năng (sau đây gọi là nhà thi đấu). Nhưng những công trình thể thao này lại hoạt động kém hiệu quả, gây lãng phí.
Theo khảo sát của chúng tôi, việc khai thác sử dụng các nhà thi đấu chưa thực sự hiệu quả, thậm chí gây lãng phí. Ngoại trừ một số nhà thi đấu ở huyện Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Cát còn duy trì các hoạt động tập luyện môn cầu lông, bóng bàn vào các buổi sáng, chiều; những nhà thi đấu còn lại, đặc biệt là ở các huyện miền núi Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão rất ít người đến tập luyện. Thậm chí, một số nhà thi đấu còn bị bỏ hoang hoặc bị trưng dụng làm kho chứa đồ đạc.
Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến thực trạng đáng buồn này là do cơ sở hạ tầng không đủ chuẩn. Đơn cử như chiều cao nhà thi đấu chỉ có 7,92m không đủ để chơi môn bóng chuyền, mặt sàn bằng bê tông thì không thể tập môn bóng đá mini. Ngoài ra, hệ thống chiếu sáng cũng không đủ để tập luyện các môn thể thao như bóng bàn. Hiện nay, hầu hết các nhà thi đấu chỉ dùng để chơi cầu lông, hoặc tập luyện võ thuật.
Một lý do khác là theo chương trình xây dựng mỗi năm một nhà thi đấu, ngân sách của tỉnh hỗ trợ cho mỗi huyện, thị xã, thành phố là 500 triệu đồng, địa phương chịu phần kinh phí phát sinh. Nhưng, chỉ một số địa phương thêm kinh phí để xây dựng các công trình phụ, như: nhà vệ sinh, tường rào, cổng ngõ, phòng thay đồ…
Nhà thi đấu huyện Hoài Nhơn là một trong những nhà thi đấu xây dựng đầu tiên của tỉnh theo chương trình. Hơn 10 năm qua, nhà thi đấu này vẫn duy trì hoạt động tập luyện các môn cầu lông, bóng bàn. Đây cũng là địa điểm tổ chức thường xuyên các giải thi đấu thể thao cấp huyện. Tuy nhiên, ông Đặng Thanh Trưng, cán bộ phụ trách thể thao Trung tâm VH-TT-TT huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Với thiết kế xây dựng nhà thi đấu có trần nhà thấp, ánh sáng không đủ, chúng tôi không thể đưa một số môn thể thao vào đây tập luyện và thi đấu”.
Hiện nay, các nhà thi đấu được xây dựng chủ yếu ở trung tâm huyện, thị xã, thành phố, nên chỉ thu hút số ít người tập luyện thể thao ở khu vực đó. Nhà thi đấu huyện Hoài Ân được xây dựng ngay tại thị trấn Tăng Bạt Hổ nên chỉ có thể phục vụ một số người thích chơi thể thao ở địa bàn này, còn những người ở các xã trong huyện khó mà đến đây chơi vì quá xa.
Sự vắng vẻ, đìu hiu của các nhà thi đấu còn do phong trào tập luyện, thi đấu thể thao tại địa phương kém sôi nổi. Điển hình như ở An Lão phát triển mạnh phong trào tập luyện bóng chuyền, nhưng chủ yếu người chơi chỉ tập ở sân ngoài trời; còn phong trào chơi cầu lông, bóng bàn của huyện ít phát triển nên nhà thi đấu cũng không phát huy được tác dụng.
|