Chuyện những người thầy thể thao
21:2', 18/11/ 2012 (GMT+7)

Việc quản lý, chăm sóc các VĐV trẻ tại các giải đấu luôn là nhiệm vụ nặng nề của các HLV.

Trong các cuộc tranh tài thể thao, khán giả phần nào hiểu được tính cách của các HLV qua cách chỉ đạo học trò, nhưng ít ai biết được rằng ở “hậu trường” họ còn phải lo hàng tá công việc khác quan trọng không kém việc huấn luyện chuyên môn và đưa học trò đi thi đấu.

Thầy năng khiếu - chăm VĐV như chăm con

Với những HLV của các đội tuyển năng khiếu thể thao tỉnh, công việc khó khăn đầu tiên họ phải đối mặt là tuyển chọn VĐV. Tùy theo đặc thù từng môn, các HLV sẽ tìm kiếm và thực hiện một số bài kiểm tra đối với các em ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Trong đó, những môn bơi lội, cờ hay bóng bàn… tuyển VĐV còn khá nhỏ, thường là dưới 10 tuổi; còn điền kinh, võ… thì lớn hơn một chút, khi các VĐV đã bắt đầu vào học các lớp ở bậc THCS.

Việc tìm kiếm được một VĐV ưng ý không hề dễ, nhưng để đưa được những VĐV có tố chất tốt vào đội tuyển cũng vô cùng gian nan. Nói về chuyện này, bà Phạm Thị Ngãi - Phó hiệu trưởng Trường Năng khiếu TDTT tỉnh, HLV môn điền kinh - vẫn chưa thôi “ám ảnh” về hai cô học trò Huỳnh Thị Diệu và Trần Thị Kim Oanh, đều ở Tây Giang, Tây Sơn, có năng khiếu đặc biệt ở các nội dung điền kinh. Đến giờ, vị HLV này vẫn chưa thôi tiếc nuối: “Cả hai đều thi đấu rất tốt tại các kỳ Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc và Hội khỏe Phù Đổng toàn tỉnh, trước các đối thủ lớn tuổi hơn. Nhưng, dù tôi đã bỏ thời gian đi năm lần bảy lượt đến thuyết phục gia đình để đưa các em xuống tập trung đội tuyển vẫn không được đồng ý. Rất khó để tìm được những VĐV có tố chất tốt như Trần Thị Kim Oanh”.

Tuyển được VĐV giỏi đã mừng, nhưng vẫn còn rất nhiều công việc phía sau mà các HLV phải đối mặt. Do các em phải sống xa gia đình khi còn khá nhỏ, nên các thầy cô phải rất gần gũi để động viên, chăm sóc trong thời gian các em mới nhập trường. Có em khi mới vào khá vui vẻ, nhưng được vài hôm nhớ nhà lại… bỏ ăn, chỉ khóc đòi về; có em xin về thăm gia đình nhưng lại không “trả phép” đúng thời gian và đòi ở nhà luôn, khiến các HLV lại phải đến nhà thuyết phục thêm lần nữa…

Ngoài những giờ huấn luyện, các HLV kiêm luôn nhiệm vụ “bảo mẫu”, lo chuyện ăn, ngủ, học văn hóa cho VĐV của mình. Khi dẫn đội đi thi đấu, các HLV còn lo gấp bội, bởi ở chỗ lạ nước lạ cái, nếu không để ý các em đi lạc đâu đó thì không biết phải ăn nói sao với gia đình. Dù vậy, một HLV môn võ cổ truyền vẫn thấy được “điểm tích cực” của các VĐV nhí: “Các VĐV ở đội năng khiếu hầu hết đều ngoan và biết nghe lời nên cũng dễ quản lý; đặc biệt, khi đi thi đấu các em không tỏ ra bị tâm lý, cứ ăn no rồi ngủ, đến giờ ra sân thi đấu, chứ không thao thức, trằn trọc lo lắng chuyện thành tích như lứa VĐV lớn”.

HLV đội tuyển - đau đáu lo thành tích

Làm công tác huấn luyện VĐV trẻ có cái khó riêng như đã kể trên, còn làm HLV các đội tuyển cũng đối mặt với không ít áp lực. Các VĐV ở vào tuổi trưởng thành đã nhận thức được nhiều hơn, có nhiều mối quan hệ xã hội phức tạp, nên HLV không siết chặt kỷ luật, hoặc tỏ ra thiếu công bằng thì rất khó quản lý.

Việc tính toán để đưa ra giáo án tập luyện cho phù hợp với từng thời điểm, đối tượng VĐV cũng phải được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng nhằm giúp VĐV đạt điểm rơi phong độ đúng theo dự tính. Đó là chưa kể đến những trường hợp đặc biệt như các VĐV võ phải ép cân để thi đấu, khi đó tâm lý VĐV luôn dao động, đòi hỏi HLV phải luôn gần gũi, động viên và làm công tác tư tưởng tốt để kích thích tinh thần học trò.

Ông Bùi Trung Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh, cho biết: “Khi còn là VĐV đội tuyển võ cổ truyền Bình Định đi thi đấu các giải toàn quốc, không ít lần tôi chứng kiến thầy Kim Đình thức suốt đêm suy nghĩ. Lúc đó tôi rất thương thầy, nhưng cũng chưa hiểu được những lo lắng mà ông trải qua. Phải đến khi sang làm công tác huấn luyện, tôi mới thấm được hết những trăn trở của một người dẫn quân đi thi đấu. Để giành được thành tích tốt ở một giải đấu, đòi hỏi các HLV phải luôn tỉnh táo để giải quyết tất cả những vấn đề ở trong và ngoài sàn đấu”.

Cũng vì sự cạnh tranh về thành tích ngày càng căng thẳng, nên sức ép dành cho các HLV luôn rất lớn. Lo chuyên môn cho VĐV không thôi chưa đủ, các HLV còn phải đối mặt với rất nhiều vấn đề khác, đặc biệt là tư tưởng của VĐV. Mức thu nhập trung bình của VĐV chúng ta hiện nay còn thấp, nên có thể có một số trường hợp đối phương lợi dụng điều đó để tạo nên những tác động tiêu cực. Vì vậy, song song với việc đào tạo, huấn luyện về chuyên môn, các HLV cũng rất coi trọng vấn đề đạo đức, nhân cách của VĐV.

  • LÊ CƯỜNG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Norwich (1-0) M.U: “Đậu thần” không cứu nổi Quỷ đỏ  (18/11/2012)
Arsenal trừng phạt 'kẻ ngỗ ngược' Tottenham  (18/11/2012)
Đưa sân cỏ nhân tạo vào nhà  (17/11/2012)
Nhiều nhà thi đấu đa năng kém hiệu quả  (17/11/2012)
HLV Wenger triệu tập 4 “sao nhí” của HAGL - JMG  (17/11/2012)
Đằng sau những tấm huy chương  (17/11/2012)
Giải ngoại hạng có thể "mất sóng" ở Việt Nam  (16/11/2012)
Hoãn trận giao hữu cuối cùng của đội tuyển Việt Nam  (15/11/2012)
'Đệ nhất kiếm chém' 13 lần vô địch Đông Nam Á  (15/11/2012)
Đội tuyển Việt Nam chuẩn bị chốt danh sách  (13/11/2012)
Cần được đầu tư chuyên sâu  (13/11/2012)
Vắng mặt nhiều “hảo thủ”  (13/11/2012)
Khủng hoảng thật rồi, Arsenal chưa-bao-giờ-tệ-thế!  (13/11/2012)
Chelsea tụt hậu trong cuộc đua tam mã  (12/11/2012)
Đem lại lợi ích về nhiều mặt  (11/11/2012)