Tình trạng mua bán, chuyển đổi phiên hiệu các CLB bát nháo, vô tội vạ sẽ chấm dứt, bắt đầu từ mùa giải 2014 theo quyết định được vừa được BCH VFF thông qua.
Cuộc chuyển giao CLB K.Khánh Hoà cho Hải Phòng sẽ là vụ cuối cùng được VFF công nhận, theo tinh thần của quyết định trên. Phó Chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn hôm qua cho biết: “Trong lộ trình phát triển bóng đá chuyên nghiệp, chúng tôi cũng đã xác định cần phải chấm dứt tình trạng các đội bóng sang tên, đổi chủ và thay đổi phiên hiệu như thời gian vừa qua. Việc này nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định, lành mạnh cho bóng đá Việt Nam”.
|
K.Khánh Hòa- XM Vicem Hải Phòng có thể coi là vụ chuyển đổi phiên hiệu cuối cùng tại V-League. Ảnh: V.S.I |
Chỉ tính trong vòng 3 năm trở lại đây, bóng đá Việt nam đã phải chứng kiến 4 cuộc thay tên đổi chủ các CLB. Mùa giải 2009, sau khi bị rớt hạng, Thanh Hoá đã chấp nhận bỏ ra 25 tỷ đồng mua lại CLB Viettel, vốn tiền thân là đội bóng quân đội Thể Công. Gần như ngay sau đấy, dư luận tiếp tục chứng kiến vụ mua bán thứ 2, do ngân hàng Nam Việt thực hiện với CLB QK4, với kết quả là sự ra đời của CLB N.SG. Chỉ mới đây, ông bầu tóc bạc Nguyễn Đức Kiên cũng khiến tất cả bất ngờ khi thực hiện vụ sáp nhập giữa HN.ACB với HP.HN để lập nên CLB BĐ Hà Nội. Trong 3 vụ kể trên, ngoại trừ CLB Thanh Hoá thì cả CLB BĐ Hà Nội của bầu Kiên và N.SG của bầu Thọ đều đã giải thể vì những lý do khác nhau. Chỉ với riêng bầu Kiên, bóng đá Việt Nam đã phải chứng kiến 4 vụ sáp nhập, thay tên đổi áo CLB.
Điểm dễ nhận thấy, trong đa số các thương vụ trên, mục đích chính của các ông chủ (hoặc địa phương) là nhằm mua lại suất thi đấu ở V-League. Quá trình mua bán diễn ra đơn giản, do quy định của VFF đối với hoạt động này khá dễ dàng. Ngoài việc phải đảm bảo số lượng cầu thủ nhất định khi chuyển giao, các ông chủ không bị ràng buộc bởi yêu cầu nào quá khắt khe. Và trong đa số vụ, các cầu thủ buộc lòng phải chấp nhận chuyển sang đội bóng mới. Gây ầm ĩ nhất có lẽ là thương vụ mua lại Thể Công (cũ) của Thanh Hoá, khi một số cầu thủ thuộc biên chế đội bóng này nhất định không chịu rời Hà Nội. Để đảm bảo chuyển giao đúng thủ tục, Thanh Hoá đã phải thuyết phục, đi kèm nhiều biện pháp khác. Tuy nhiên, chỉ một năm thi đấu trong màu áo đội bóng xứ Thanh, một loạt cầu thủ của Thể Công (cũ) đã chuyển sang đội bóng khác. Với vụ gần đây nhất được VFF thừa nhận, K.Khánh Hoà chuyển giao cho Hải Phòng, một số cầu thủ của K.Khánh Hoà cũng đã lên tiếng phản đối khi cho rằng, không nhận được sự tôn trọng của CLB.
Một ví dụ khác, chỉ trong một năm, CLB SG.XT của bầu Thuỵ đã có không dưới 3 lần đổi đi, đổi lại tên CLB. Đội hiện mang tên Xi măng XT.SG sau khi ông Thuỵ rút lui, nhường chức Chủ tịch CLB lại cho em trai.
“Cá nhân tôi cho rằng đây là quyết định quan trọng, giúp quá trình đầu tư vào bóng đá của các ông chủ ổn định, mang tính định hướng chứ không bột phát như trước. Chúng ta rõ ràng đã buông lỏng vấn đề này trong một thời gian dài, dẫn đến thực trạng như thời gian vừa qua”-Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT kiêm Phó Chủ tịch VFF Phạm Văn Tuấn cho biết thêm. Cũng theo ông Tuấn, VFF trong thời gian tới sẽ cân nhắc đưa ra những quy định cụ thể đối với các ông bầu, đảm bảo hạn chế tối đa tình trạng mua bán, chuyển nhượng vô tội vạ, giải thể đội bóng. Chỉ tính trong khoảng 3 năm trở lại đây, đã có trên dưới chục ông bầu nói lời chia tay với bóng đá sau khi “trống giong, cờ mở” lúc mới đầu.
. Theo Thethaovanhoa |