VPF sẽ lập tức khiếu nại tiếp về bản quyền truyền hình
7:40', 17/2/ 2012 (GMT+7)

Ngay sau khi Thanh tra Bộ VH-TT-DL kết luận hợp đồng giữa VFF với AVG là hợp pháp, VPF họp báo bày tỏ sự không hài lòng và tuyên bố tiếp tục khiếu nại.

Các ông bầu trong Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VPF nói với báo giới, họ không hài lòng về kết luận của Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch. Ông Nguyễn Đức Kiên nhắc lại thông điệp từng phát đi trước đó: VPF sẽ sớm gửi khiếu nại tới Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, thậm chí đến cấp cao hơn nữa, nếu họ chưa thấy thỏa mãn với kết quả.

Theo ông Kiên, Thanh tra Bộ đã không xem xét điều 74.1 Điều lệ Liên đoàn bóng đá Việt Nam. VPF cho rằng, điều 74.1 thừa nhận các thành viên của VFF tức các CLB là người đồng sở hữu các giải đấu chuyên nghiệp và VFF không phải là chủ sở hữu duy nhất.

 
Kết luận của thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch chưa kết thúc được cuộc chiến bản quyền truyền hình. Ảnh: T.Q
 

Ông Kiên còn dẫn điều 170, khoản 1 – Bộ luật Dân sự, quy định về quyền sở hữu tài sản. Các CLB là người tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh hợp pháp, tạo ra sản phẩm là các giải đấu, có quyền sở hữu sản phẩm của mình. Quy chế bóng đá chuyên nghiệp, theo VPF, cũng là cơ sở xác lập quyền sở hữu các giải đấu chuyên nghiệp của các CLB. Điều 69 Quy chế bóng đá chuyên nghiệp quy định: VFF chia các nguồn thu từ các giải đấu chuyên nghiệp theo tỷ lệ: VFF giữ 50% và nửa còn lại thuộc về các CLB. Vì vậy ký hợp đồng mà không có ý kiến các CLB là không phù hợp.

Trong buổi làm việc với thanh tra Bộ, đại diện VPF đặt dấu hỏi về tính hợp pháp của việc VFF còn bán cả thương quyền các đội tuyển quốc gia cho AVG. Thanh tra Bộ yêu cầu bầu Kiên cung cấp các quy định của pháp luật về vấn đề này. Ông chủ CLB Hà Nội lập tức viện dẫn Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. VFF là tổ chức xã hội nghề nghiệp, do đó chịu sự điều chỉnh của Luật này. Nếu chiếu theo khoản 3 và 4 điều 35 Luật thể thao thì VFF chỉ có trách nhiệm quản lý chứ không có quyền sở hữu các đội tuyển quốc gia.

Tính công khai, minh bạch và cạnh tranh của bản quyền truyền hình đã bị VFF bỏ qua, theo nhận xét của VPF. “Trước năm 2011, VFF chào bán bản quyền truyền hình cho VTV, VTC. Nhưng khi có kế hoạch bán 20 năm cho AVG, VFF đã không thông báo rộng rãi cho các nhà đài khác. Làm thế là thiếu công khai, minh bạch, giảm thiểu cạnh tranh và không xác định giá trị phù hợp của bản hợp đồng”, bầu Kiên tuyên bố.

Theo VPF, kết luận của thanh tra Bộ chưa đảm bảo tính khách quan và chưa làm rõ các kiến nghị. Trong cuộc họp báo tại khách sạn Hilton Opera, đại diện VPF cho biết ngay tối 16.2, Hội đồng quản trị VPF sẽ họp và khiếu nại. Ngày mai, thường trực Hội đồng quản trị VFF tiếp tục họp bàn về các bước tiếp theo để bảo vệ quan điểm về bản quyền truyền hình các giải đấu chuyên nghiệp. Ông Kiên cho biết, sau cuộc họp ngày mai, VPF sẽ có văn bản bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo về vấn đề này.

Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch VPF cho biết rất vinh dự khi Công ty được giao tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp và được bàn giao các hợp đồng về tài trợ, nhưng ông đã giật mình khi nhận bản hợp đồng 20 năm mà VFF ký với AVG. Ông Thắng cho rằng đây là bản hợp đồng có thể làm tổn hại đến bóng đá Việt Nam, bởi thương quyền của nó quá lớn. “Tôi từng chia sẻ với anh em rằng nếu bản hợp đồng trong 3 hay 5 năm thì có thể chấp nhận. Nhưng tới giờ còn 19 năm nữa. Ngay cả khi giá trị lũy tiến 10% một năm nó cũng không phù hợp, bởi vài năm nữa, sẽ có không phải 28 mà 32 thậm chí là 36 CLB dự hạng Nhất, chuyên nghiệp. Đầu tư vào bóng đá rất lớn. Nếu cứ như cách chia hiện nay mỗi năm một CLB nhận được vài trăm triệu đồng từ tiền truyền hình. Số tiền đó không đủ để làm động lực, nguồn động viên cho những người đầu tư vào bóng đá. Nó chắc chắn cũng không đủ để nuôi các đội tuyển quốc gia – vốn sống nhờ phần lớn vào ngân sách nhà nước. Với VPF đây không phải là cuộc chiến thắng hay thua. Đơn giản chúng tôi thấy cần điều chỉnh những điều có lợi cho bóng đá Việt Nam”. Ông Thắng nói.

Chiều 16.2, Thanh tra Bộ VH-TT-DL đã công bố chính thức Kết luận thanh tra việc ký hợp đồng chuyển nhượng thương quyền với các giải bóng đá thuộc VFF. Bản kết luận do ông Vũ Xuân Thành, Chánh thanh tra ký hôm qua. Kết quả thanh tra được nhìn nhận như một thất bại với VPF - vốn cho rằng bản hợp đồng nói trên là không đầy đủ pháp lý.

Trước đó, các ý kiến tham vấn từ Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin Truyền thông cũng đều cho rằng bản hợp đồng VFF - AVG cơ bản là đúng luật.

Ngay sau khi bản kết luận được công bố, VFF đã yêu cầu VPF, các CLB, các ban tổ chức địa phương, các đài truyền hình tôn trọng và thực hiện nghiêm túc bản hợp đồng. VFF còn kiến nghị các cơ quan Nhà nước trong lĩnh vực thể thao tham gia để đảm bảo hiệu lực bản hợp đồng họ đã ký với AVG.

. Theo VnE

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ajax 0-2 Man United: Chiến thắng nhẹ nhàng   (17/02/2012)
“Thuốc thử” đúng liều  (16/02/2012)
Milan 4-0 Arsenal: Tuyệt vời Rossoneri !  (16/02/2012)
Đội tuyển VN trở lại top 100 thế giới, bỏ xa Thái Lan  (15/02/2012)
Leverkusen 1-3 Barcelona: Mâu thuẫn của tiqui-taca  (15/02/2012)
Hướng đi mới cho phong trào bóng đá các huyện  (14/02/2012)
Trước trận Milan – Arsenal: Những giá trị của thời gian...  (14/02/2012)
Zambia vô địch CAN 2012  (13/02/2012)
Nỗi buồn ngày trở lại  (12/02/2012)
Hoài Nhơn vượt trội  (12/02/2012)
Hà Nội T&T tiếp tục dẫn đầu  (11/02/2012)
Xóa được “dớp”   (11/02/2012)
Mọi ánh mắt đều dồn về Old Trafford  (10/02/2012)
Cơ hội cho chủ nhà  (09/02/2012)
Fabio Capello từ chức HLV ĐT Anh  (09/02/2012)