Một nửa chặng đường V-League 2012 đã trôi qua. Dù được diễn ra dưới sự điều hành của một tổ chức mới, nhưng giải bóng đá hàng đầu Việt Nam này vẫn chưa có sự khác biệt đáng kể trong công tác tổ chức, khác chăng là tính cạnh tranh về chuyên môn đã được nâng lên…
|
Hà Nội T&T (áo trắng) vẫn được đánh giá là ứng cử viên nặng ký cho danh hiệu vô địch. |
Công tác tổ chức: Vẫn lo
Sau “cuộc chiến” của những ông “bầu” và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), cuối cùng Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) cũng ra đời, mang theo sự kỳ vọng của người hâm mộ về một nền bóng đá phát triển. Tuy nhiên, khi chưa kịp thể hiện năng lực trong việc điều hành các giải đấu, VPF đã khơi mào “cuộc chiến” về vấn đề bản quyền truyền hình. VPF cho rằng, bản hợp đồng 20 năm mà VFF ký với Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) là “có vấn đề”. Những rắc rối chưa dừng ở đó, khi “bỗng dưng” VFF “tuýt còi”, đòi “khai tử” cái tên Super League và lấy lại tên cũ của Giải bóng đá vô địch Quốc gia Việt Nam là V-League.
Dưới sự điều hành của VPF, V-League chưa có những đột phá trong công tác tổ chức, những tồn tại ở các mùa giải trước như: hành vi cổ vũ thiếu văn hóa, đốt pháo sáng trên khán đài, bạo lực sân cỏ… vẫn xảy ra. Đặc biệt, những sai sót liên tiếp của đội ngũ trọng tài khiến nhiều đội bóng tỏ rõ sự thất vọng. Trong đó, việc CLB Đà Nẵng gửi thư lên Ban Tổ chức đề nghị tạm dừng giải để chấn chỉnh công tác trọng tài cho thấy nhiều đội bóng mất niềm tin vào những người cầm cân nảy mực, khi những công sức họ bỏ ra để gầy dựng đội bóng bị “đổ sông đổ biển” chỉ vì những tiếng còi thiếu chuẩn xác. Sự yếu kém về chuyên môn của các vị “vua áo đen” chính là một trong những điều nổi cộm nhất ở giai đoạn lượt đi V-League 2012. Điều này cần sớm được khắc phục nhằm tạo công bằng cho các đội bóng tham gia giải, góp phần hạn chế những suy nghĩ tiêu cực về bóng đá Việt Nam.
Phân cấp về chuyên môn
Nhìn vào bảng xếp hạng V-League hiện nay, có thể thấy, số điểm của nhóm dẫn đầu không quá cách biệt. Thế nhưng, khi chọn ra những cái tên xứng đáng là ứng cử viên cho danh hiệu vô địch vẫn chỉ là Hà Nội T&T, Đà Nẵng và Sông Lam Nghệ An. Bởi hai đội bóng của ông “bầu” Đỗ Quang Hiển sở hữu lực lượng mạnh và đồng đều, quan trọng hơn là họ luôn tỏ rõ khát khao chiến thắng và thể hiện lối chơi cống hiến. Trong khi đó, thành công của đội bóng xứ Nghệ chủ yếu vẫn dựa vào nguồn cầu thủ từ chính lò đào tạo của mình. Không mạnh hơn hẳn các đội bóng còn lại nhưng sự đoàn kết và “lì lợm” của các học trò HLV Nguyễn Hữu Thắng đã tạo nên một Sông Lam Nghệ An khó bị đánh bại (và hiện họ vẫn là đội duy nhất bất bại).
Ở giai đoạn đầu mùa giải, với đội hình nhiều “Tây”, tân binh Sài Gòn FC đã để lại ấn tượng mạnh bằng chuỗi 9 trận không thua. Bên cạnh đó, đội bóng này còn gầy dựng lực lượng cổ động viên khá hùng hậu và chuyên nghiệp. Tuy nhiên, khi gần kết thúc lượt đi, họ để thua liền một mạch 3 trận, khiến HLV Lư Đình Tuấn phải ra đi. Chính sự bất ổn khó hiểu đó làm người ta nghi ngờ về động lực thi đấu của đội hình vốn nhiều ngôi sao này.
Còn hai cựu vương Bình Dương và Hoàng Anh Gia Lai cũng có những giai đoạn quật khởi, sống lại hình ảnh mạnh mẽ của họ trước đây. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, thực lực của cả hai vẫn chưa đủ để phần còn lại của V-League phải dè chừng, và khả năng vô địch của họ cũng không cao vì sự thiếu ổn định trong lối chơi.
Phía nửa dưới bảng xếp hạng, Hải Phòng đã phát ra lời kêu cứu từ nhiều vòng đấu trước, nhưng “con tàu” do Lê Thụy Hải điều khiển vẫn cứ chìm dần trong vô vọng. Bất mãn với thành tích của đội nhà, nhiều cổ động viên đất Cảng đã kêu gọi ông “Hải lơ” từ chức. Trong khi đó, lãnh đạo đội bóng thành phố Hoa phượng đỏ dự định sẽ bổ sung nhiều chân sút chất lượng trong giai đoạn hai.
Trong nhóm bị điểm mặt có nguy cơ rớt hạng cao còn có tên hai đại diện miền Tây Nam Bộ là Kiên Giang và Đồng Tháp. Lực lượng quá mỏng khiến hai CLB này không thể cạnh tranh được với những đội bóng lắm tiền nhiều của. Và rất khó để hai đội bóng này thay đổi số phận khi lãnh đạo CLB chưa có những động thái tích cực nào trên thị trường chuyển nhượng.
|