Bất ngờ tuyên bố có được thương quyền V-League từ AVG mà "không phải trả đồng nào", VPF hứa mang lại hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho bóng đá Việt Nam.
Phó chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên khẳng định: “VPF không phải trả tiền cho AVG để sở hữu thương quyền V-League. Chưa bàn giao chính thức nhưng VPF và AVG đã đạt được thỏa thuận và thỏa thuận này, với các doanh nhân, còn quan trọng hơn cả chữ ký”.
Hôm nay, AVG, VPF và VFF gặp nhau tại Hà Nội để thẩm định phương án khai thác thương quyền V-League của VPF. Nhiều khả năng, AVG sẽ chính thức chuyển giao thương quyền V-League cho VPF sau cuộc gặp này.
|
Ông Võ Quốc Thắng (giữa). Ảnh: QT. |
Khai thác bản quyền truyền hình là vấn đề khó của V-League. Từ năm 2010 trở về trước, VFF hầu như cho không các nhà đài thương quyền các trận đấu ở giải bóng đá cao nhất Việt Nam. Sau khi bán thương quyền V-League cho AVG trong 20 năm với giá trị 6 tỷ đồng mỗi năm (lũy tiến 10% theo năm), các CLB V-League, hạng Nhất nhận cao nhất từ tiền thương quyền cũng chỉ chừng trên dưới 100 triệu đồng một năm.
Tuyên bố kiếm được tối thiểu 50 tỷ đồng từ việc khai thác thương quyền trong năm đầu, VPF tính rằng tương lai thương quyền V-League có thể đem lại hàng trăm tỷ đồng hoặc nhiều hơn thế trong một năm. Theo tiết lộ của Chủ tịch VPF, ông Võ Quốc Thắng, công ty này sẽ thành lập Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam. Dù chưa chính thức thành lập nhưng theo ông Thắng, tới nay đã có tới hơn 10 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam đăng ký tham gia.
“Đó là những doanh nghiệp lớn, có uy tín xã hội, có tâm với bóng đá Việt Nam. Họ sẽ đầu tư vào V-League và cái thu lại là quảng cáo. Hình ảnh của họ sẽ xuất hiện ở V-League. Chúng tôi muốn các nhà đài cho quảng cáo 20 phút trong mỗi trận đấu. Lợi nhuận của thời lượng quảng cáo ấy được chia cho VPF và các nhà đài theo tỷ lệ thích hợp, nếu VPF thu được 50 tỷ đồng/năm, nhà đài sẽ hưởng 25%”. Ông Thắng tiết lộ về phương thức khai thác thương quyền V-League.
Phó chủ tịch VPF Đoàn Nguyên Đức thì tự tin: “10 doanh nghiệp hàng đầu tham gia, chỉ cần mỗi doanh nghiệp bỏ ra 10 tỷ đồng, V-League sẽ có 100 tỷ đồng một năm”.
Về phương án phân chia số tiền thu về, bầu Thắng trình bày: “Số tiền sẽ được phân chia theo tỷ lệ góp vốn của các cổ đông. Bóng đá phải sống được bằng tiền của chính mình. Phần còn lại sẽ được chi cho các đội tuyển quốc gia – vốn phụ thuộc vào ngân sách tổ chức. Phần nữa, chúng tôi sẵn sàng đầu tư cho các CLB sửa sang sân bãi, hỗ trợ công tác tổ chức ở các sân. VPF không vụ lợi, những gì chúng tôi làm là đem lại lợi nhuận cho bóng đá Việt Nam, nâng cao giá trị của bóng đá Việt Nam”.
Việc AVG bàn giao thương quyền V-League cho VPF được cho là động thái bất ngờ. Trước đó, ngay sau khi thành lập, VPF đã lên tiếng phản đối bản hợp đồng của AVG. Tranh chấp căng thẳng tới mức VPF tuyên bố sẵn sàng mua lại bản hợp đồng này. AVG sau đó chấp nhận chia sẻ thương quyền V-League với VTV và VTC cùng cam kết nâng giá trị từ 6,6 tỷ đồng lên 10 tỷ đồng ngay trong năm nay.
“AVG làm tất cả những gì có lợi cho bóng đá nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung. VPF có thể đem lại những điều tốt đẹp cho V-League, chúng tôi sẵn sàng nhường họ sở hữu thương quyền giải đấu này”, đại diện AVG lý giải về việc bàn giao thương quyền V-League cho VPF.
. Theo VnE
|