Tôi gặp lại Cao Thành Trúc khi anh vừa từ TP Hồ Chí Minh về xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn để chịu tang cho bà nội. Từ sau năm 2009 - năm thành công vang dội khi Cao Thành Trúc đoạt HCB quốc gia, HCB SEA Games, HCĐ Châu Á, những năm tiếp theo thành tích của Cao Thành Trúc rất phập phù.
Từ một cơ thủ không chuyên, sự thành công vượt bậc trong năm 2009 khiến Cao Thành Trúc “choáng ngợp”. Tính bốc đồng của tuổi thanh niên, cộng với những thành công đến sớm khiến Cao Thành Trúc ít nhiều tự mãn. Khi tập trung ở đội tuyển billiards Việt Nam, Cao Thành Trúc gần như đơn độc bởi một phần vì tính cách của anh, phần khác lối sống của anh ít hòa hợp với một số đồng đội. Điều này đã ảnh hưởng đến tâm lý của Trúc và anh thi đấu sa sút dần.
Từ đỉnh cao 2009, ngay ở mùa giải 2010, Cao Thành Trúc bị “đánh bật” ra khỏi tốp 16. Thành tích kém cỏi này còn khiến anh mất luôn suất ở đội tuyển Việt Nam. 3 năm qua, Thành Trúc rất ít về Bình Định, anh dành nhiều thời gian cho việc tập luyện và chăm lo cho lớp billiards mà anh mở ở TP Hồ Chí Minh. Cao Thành Trúc tâm sự: “Tôi rất buồn khi thành tích của mình bị sa sút, nhưng tôi sẽ cố gắng, tôi tin rồi mình sẽ vượt qua được giai đoạn khó khăn này…”.
Hiện tại Cao Thành Trúc vẫn được hưởng chế độ do ngành thể thao Bình Định cấp, đó thật sự là niềm an ủi cho anh và qua đó cũng cho thấy sự đãi ngộ của Bình Định đối với những VĐV có tiềm năng như Cao Thành Trúc. Anh cho biết: “Tỉnh Bình Định đã cưu mang tôi trong suốt thời gian qua… nên ví dầu không được Bình Định cho hưởng chế độ, tôi sẽ vẫn thi đấu trong màu áo quê hương khi tỉnh nhà vẫn dành cho tôi quyền được khoác lên người chiếc áo ấy”.
Cao Thành Trúc là một cơ thủ có năng lực, nhưng anh vẫn chưa thoát khỏi áp lực tâm lý sau những thất bại. Chính điều này “nốt trầm” trong sự nghiệp billiards của anh cứ kéo dài. Anh cần được hỗ trợ, khai thông để tìm lại được hào quang xưa.
|