Cách đây ít ngày, người hâm mộ cầu lông Việt Nam bất ngờ khi hay tin tay vợt Nguyễn Tiến Minh leo lên top 6 trên bảng xếp hạng của thế giới. Bởi, ngay trước khi thông tin này được công bố, Tiến Minh đã bị loại ngay từ vòng 1 Giải cầu lông Hàn Quốc mở rộng.
Trước đó, anh cũng đã có chuỗi trận không thành công ở khá nhiều giải đấu. Và ngay cả những người đam mê môn cầu lông có lẽ cũng khó nhớ nổi lần gần nhất Tiến Minh đăng quang ở một giải đấu mang tầm quốc tế. Do đó, việc anh thăng tiến trên bảng xếp hạng được lý giải là nhờ… các VĐV khác xuống phong độ. Với cách thăng hạng như thế này, có lẽ chẳng ai có thể vui được, và nó cũng không giúp những người yêu mến Tiến Minh tăng thêm niềm tin vào bản thân anh ở các giải đấu sắp tới.
Nói đến chuyện các bảng xếp hạng hẳn không thể không liên tưởng đến bộ môn thể thao vua, với những bước tiến… kỳ lạ của đội tuyển bóng đá nam Việt Nam. Bởi, dù bị loại ngay từ vòng bảng AFF Cup 2012, đội bóng được dẫn dắt bởi HLV Phan Thanh Hùng vẫn tăng liền 7 bậc và chễm chệ ở ngôi số 1 Đông Nam Á.
Tiếp đó, theo công bố mới nhất của Liên đoàn thống kê lịch sử bóng đá thế giới (IFFHS), giải vô địch quốc gia Việt Nam (V-League) vẫn lọt vào top 100 giải bóng đá mạnh nhất thế giới. Với vị trí 87, V-League chỉ đứng sau các giải vô địch quốc gia của Thái Lan và Malaysia. Tiêu chí để IFFHS đưa ra số điểm là thành tích của các CLB ở giải quốc nội và trên đấu trường quốc tế.
Tại sân chơi quốc tế, trong năm 2012, V-League có hai đại diện tham dự AFC cup là Navibank Sài Gòn và Sông Lam Nghệ An (đều không vượt qua vòng bảng). Thành tích thụt lùi, nhưng thứ hạng vẫn duy trì, hoặc thăng tiến theo những cách tính “khó hiểu”. Song, giá trị của thứ hạng ảo này được xem như bảo bối của những người làm thể thao, khi họ có thể dựa vào những công bố đầy khách quan đó để vẽ nên những bản thành tích “hào hùng”, bất chấp sự đi xuống của nhiều bộ môn trong thời gian qua. Kể ra thứ hạng ảo nhưng cũng có giá trị thật (với một số người nào đó).
|