Tổ chức những đêm thi đấu võ cổ truyền với một số điểm “mới mà cũ” là ý tưởng mà Trung tâm Võ cổ truyền Bình Ðịnh đang cân nhắc, nhằm khơi dậy sức sống cho “đặc sản” xứ Nẫu, góp phần phát triển phong trào ở các địa phương.
Võ cổ truyền đối kháng (võ tự do) có những chiêu thức đa dạng, lối đánh phóng khoáng và có tính liên tục. Vì vậy, những võ đài trước đây luôn thu hút một lượng lớn khán giả đến theo dõi, cổ vũ.
|
Hình thức thi đấu võ cổ truyền hiện nay ít hấp dẫn hơn so với trước.
- Trong ảnh: Khán đài thưa thớt ở một trận đấu tại Giải Vô địch võ cổ truyền toàn quốc năm 2012, tổ chức tại Thừa Thiên Huế. |
Tuy nhiên, năm 1994, luật thi đấu võ thuật cổ truyền thay đổi, không cho võ sĩ dùng gối, chỏ tấn công đối phương. Những quy định mới được cho là cần thiết, nhằm tránh gây nên những chấn thương nặng cho các võ sĩ. Năm 2002, luật thi đấu võ thuật cổ truyền đối kháng lại một lần nữa thay đổi, từ thi đấu trên sàn đài chuyển xuống thi đấu dưới thảm. Cũng vì thế, các trận đấu giảm bớt tính hấp dẫn, khiến lượng khán giả đến xem những cuộc thi đấu võ đài giảm đáng kể, dù là những giải mang tầm quốc gia và mở cửa tự do, không bán vé.
Trong những năm luật thi đấu đối kháng đưa xuống thảm, ở những cuộc thi đấu giao hữu tại Bình Định, các nhà tổ chức vẫn xin chủ trương được thi đấu trên sàn đài. Đó là lý do vì sao trong mười năm qua, võ cổ truyền Bình Định vẫn giữ được phong trào tập luyện ở cơ sở.
Sau những ý kiến của các nhà chuyên môn, lãnh đạo các đoàn cũng như HLV các tỉnh, đầu năm 2012 luật thi đấu võ thuật cổ truyền đã thay đổi, đưa nội dung đối kháng trở lại sàn đài. Song, vẫn còn những ý kiến cho rằng trang phục thi đấu như hiện nay (võ sĩ phải mặc quần dài, mang giáp, găng tay, đội mũ bảo hộ đầu) chưa phù hợp. Bởi, trong thi đấu đối kháng, ngoài yếu tố chuyên môn, võ sĩ cần thể hiện được “vẻ đẹp” về cơ bắp và sự mạnh mẽ ngay từ dáng dấp, thể hình.
Theo thống kê của Liên đoàn võ thuật Bình Ðịnh, hiện toàn tỉnh có 56 võ sư, 26 chuẩn võ sư và 115 HLV cấp quốc gia. Trong đó, có khoảng 50 võ sư, HLV dạy nội dung biểu diễn, các HLV, võ sư khác chuyên dạy nội dung đối kháng. Toàn tỉnh có khoảng 2.000 võ sinh tập luyện võ cổ truyền thường xuyên; trong dịp hè số lượng võ sinh tăng lên rất cao, có trên dưới 10.000 võ sinh tham gia đăng ký tập luyện. |
Ông Bùi Trung Hiếu, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Võ cổ truyền Bình Định, cho biết: “Sau khi Đề án Bảo tồn và phát triển một số lò võ cổ truyền Bình Định để phục vụ du lịch được UBND tỉnh phê duyệt, đã có nhiều ý kiến cho rằng nên khôi phục lại các võ đài theo hình thức tương tự như trước đây, cả về trang phục lẫn luật thi đấu. Điều đó sẽ giúp các trận đấu diễn ra hấp dẫn hơn, thu hút sự quan tâm của khán giả và có tác động tốt đến phong trào luyện tập võ cổ truyền ở các địa phương. Ngoài ra, việc tổ chức các kỳ võ đài thường xuyên sẽ tạo nên một sản phẩm du lịch mang đặc trưng của Bình Định - vốn gắn với “thương hiệu Miền đất võ”.
Đây là một ý tưởng hay và mang tính khả thi cao, không chỉ góp phần bảo tồn những đòn thế lợi hại của võ cổ truyền mà còn tác động tích cực đến hoạt động du lịch. Du khách đến với Bình Định ngoài việc được tham quan những danh lam thắng cảnh, thưởng thức các món ăn ngon xứ Nẫu chắc chắn sẽ còn rất thích thú khi được theo dõi những trận đấu đài sôi động. Tuy nhiên, để tạo được sức hút mạnh mẽ, cần có sự cân nhắc về địa điểm tổ chức, để mọi người có thể vừa xem đấu võ, vừa cảm nhận được bề dày truyền thống võ thuật của các địa danh nổi tiếng ở Bình Định.
|