|
Bên cạnh công tác đưa thông tin về võ đài đến với khán giả, việc bố trí chỗ ngồi của khán giả gần với sàn đài cũng góp phần tăng sức hút cho các trận đấu. |
Ý tưởng khôi phục võ tự do ở Bình Định nhận được sự đồng tình từ những người đã và đang hoạt động trong lĩnh vực võ thuật. Bên cạnh những thay đổi về hình thức thi đấu, một số ý kiến còn cho rằng nên tập trung nhiều hơn cho công tác quảng bá về các đêm đấu đài.
Trong ký ức của võ sư Kim Đình - người từng tham gia rất nhiều trận đấu đài cả trong tư cách là một võ sĩ lẫn HLV - các võ đài trước đây luôn chật kín khán giả. Chính ông cũng từng đứng ra tổ chức các đêm võ đài ở nhiều địa phương trong tỉnh, với khoảng 3 đợt/năm, đặc biệt, có năm ông tổ chức đến 5 đợt nhưng khán giả vẫn kéo đến xem rất đông.
“Trước mỗi đêm đấu đài, nhà tổ chức phải lên chương trình cụ thể, thông báo rộng rãi để người dân biết những thông tin chi tiết về các võ sĩ sẽ thượng đài. Khán giả luôn chờ đón xem những võ sĩ có thành tích nổi bật thi đấu, họ chờ coi những trận đấu mãn nhãn từ trước khi nó diễn ra khá lâu. Vì vậy, ngoài việc tuyên truyền về ngày giờ tổ chức võ đài, việc cung cấp thông tin về võ sĩ đến với người hâm mộ rất quan trọng”, võ sư Kim Đình đúc kết.
Vị võ sư năm nay đã ngoài 70 còn cho rằng, thi đấu đối kháng võ cổ truyền hiện nay đã được “thể thao hóa” nên có rất nhiều khác biệt so với võ tự do trước đây. Ngay như trang phục thi đấu cũng đã khác, trang phục như hiện nay làm giảm sức hấp dẫn của các trận đấu. Thay vào đó, võ sĩ nam chỉ cần mặc quần đùi khi lên đài, nếu muốn giảm bớt nguy cơ chấn thương thì có thể đeo găng, bọc ống quyển như ở môn kick-boxing là được. Cách thức thi đấu hiện cũng ít tạo được sức hấp dẫn cho người xem; đồng thời, các võ sĩ cũng không thể hiện được những tinh hoa của môn phái. Ngoài ra, khu vực khán giả ngồi để theo dõi các trận đấu nên được bố trí gần sàn đài để họ cảm nhận được “sức nóng” từ các đòn đánh, võ sĩ cũng hưng phấn hơn.
Đồng quan điểm với võ sư Kim Đình, võ sư Hồng Kim Khanh - trọng tài quốc gia môn võ cổ truyền - cho biết: “Khi điều khiển các trận đấu hấp dẫn, được nhiều khán giả theo dõi, tôi rất hưng phấn và có sự tập trung cao độ vào trận đấu. Nó tạo cho mình sự hào hứng như chính mình được tham gia vào trận đấu vậy. Do đó, khi tổ chức võ đài, nhất là ở môn võ tự do, nên chọn nơi có không gian thoáng đãng và cho phép khán giả ở gần sàn đài hơn để “truyền lửa” vào các võ sĩ. Ngoài ra, việc đưa ra những quy định thoáng hơn trong việc ra đòn ở môn võ tự do cũng sẽ giúp các trận đấu diễn ra hay hơn. Tôi may mắn được tham gia học, tập huấn khá nhiều môn võ và nhận thấy ở các môn Wushu (của Trung Quốc) hay Muay (Thái Lan)… đều có hai cách thức thi đấu song song. Ở các giải nằm trong hệ thống thi đấu thì đánh theo cách mà chúng ta thường thấy trên truyền hình, còn ở các địa phương họ vẫn tổ chức theo những cách thức truyền thống. Theo tôi, đó cũng là một cách hay để giữ gìn tinh hoa võ của môn phái và dân tộc”.
|