"Đất nước các bạn có gần 90 triệu dân, tình yêu bóng đá khiến tôi kinh ngạc. Đấy là nền tảng vững chắc nhất để xây dựng bóng đá chuyên nghiệp", chuyên gia Kayuyoshi Tanabe đã nói như thế khi dự khán trận Siêu cúp quốc gia 2012 trên sân Chi Lăng.
J-League khi mới ra đời cũng đầy rẫy khó khăn
* Bóng đá Việt Nam bây giờ là "chiếc giày nhỏ" đối với bóng đá Nhật Bản. Liệu chúng tôi có theo kịp được sự phát triển thần tốc như các bạn?
- Muốn phát triển bóng đá cần dựa vào nâng cao thể trạng con người. Các bạn cũng thấy nhờ nhiều biện pháp về y học, dinh dưỡng, chúng tôi mới nâng cao chiều cao, cân nặng người Nhật trong vòng 70 năm qua. Còn về sự phát triển, phải tính từ năm 1992, khi giải nhà nghề Nhật với tên J-League ra đời, mới tạo bước phát triển bùng nổ. Có rất nhiều sự thay đổi trong cách làm việc mới giúp chúng tôi cho ra lò những cầu thủ đủ tài năng để sang châu Âu chơi bóng như bây giờ.
* Có gì giống và khác giữa bóng đá Việt Nam với Nhật Bản trước khi J-League ra đời?
- Tôi nghĩ cơ hội bóng đá Việt Nam phát triển rất lớn. Đất nước các bạn dân số trẻ, có đến gần 90 triệu người. Nếu đầu tư đào tạo trẻ tốt sẽ cho ra lò nhiều cầu thủ giỏi. Điều kiên quyết nhất là tình yêu, sự ủng hộ từ các cổ động viên Việt Nam rất lớn. Tôi từng nghe và công nhận tình yêu bóng đá ở nước bạn đúng là hàng đầu thế giới. Nếu biết biến lợi thế thành sức mạnh, biết rút ra ra kinh nghiệm từ chúng tôi, 20 năm tới, các bạn còn có bước tiến nhanh hơn cả những gì giải nhà nghề Nhật Bản đã làm được.
Ở Nhật trước khi giải J-League ra đời, chất lượng giải đấu cũng chưa cao, khán giả ít đến sân. Ngoài chuyện nâng cao chất lượng các trận đấu, các câu lạc bộ còn yêu cầu tự các cầu thủ phải tự lôi kéo người thân, bạn bè đến sân. Đội bóng phải xem mình như một doanh nghiệp, cầu thủ phải xem người hâm mộ là khách hàng, nỗ lực chăm sóc phục vụ chu đáo thì mới thành công được.
Nên hợp tác sâu rộng với bóng đá Nhật Bản
* Tại sao có quá ít cầu thủ Nhật Bản sang Việt Nam thi đấu trong nhiều năm qua và ngược lại, thưa ông?
- Do sự khác biệt phần nào đó về văn hóa, ẩm thực, hay thông tin nên cầu thủ Nhật Bản ít sang Việt Nam chơi bóng. Giải nhà nghề Thái Lan, Singapore, cũng chưa có cầu thủ Nhật sang đầu quân. Riêng cầu thủ Việt Nam theo tôi quan sát có tiềm năng lớn. Như SHB Đà Nẵng chẳng hạn, họ có những cầu thủ đủ sức chơi ở giải J-League. Chính tôi khi về nước sẽ tranh thủ tìm thêm cầu thủ Nhật giới thiệu cho các câu lạc bộ ở V-League, hạng Nhất và ngược lại. Nhưng để nhập khẩu cầu thủ Việt Nam sang Nhật cũng chẳng dễ gì vào lúc này. Bóng đá Nhật cũng chịu khủng hoảng kinh tế khiến không ít cầu thủ rơi cảnh thất nghiệp, không khác ở Việt Nam lúc này. Nếu cầu thủ Việt không thể hiện tốt hơn cầu thủ Nhật, họ khó có cơ hội sang Nhật Bản đá bóng.
* Ông có nghĩ việc U23 Việt Nam sang Nhật tập huấn sẽ tốt hơn trước khi SEA Games 2013 bắt đầu?
- Thời gian tới đây, một đội U17 của Việt Nam sẽ sang thành phố Fukuoka để thi đấu giao hữu. Sau đó, có khả năng U23 Nhật Bản cũng sẽ sang Việt Nam thi đấu. Thực tế nhiệm vụ của tôi sang hỗ trợ VPF (Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam) xây dựng giải V-League, hạng Nhất, chứ không được lấn sân sang công tác đội tuyển của VFF (Liên đoàn bóng đá Việt Nam). Tôi hiểu câu "nhập gia tùy tục" và tôn trọng các vấn đề không thuộc mình quản lý. Nhưng tôi nghĩ U23 Việt Nam nên trẻ hóa, tranh thủ giao hữu nhiều đội mạnh của Nhật, với U23 Nhật Bản chẳng hạn. Rồi kế hoạch tập huấn đi Nhật cũng là ý kiến hay khi chúng ta đang bắt tay hỗ trợ nhau trong thời gian qua.
* Theo ông đâu là khó khăn lớn nhất ảnh hưởng con đường bước lên chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam vào thời điểm hiện tại?
- Các câu lạc bộ phụ thuộc quá lớn vào nguồn tài chính của doanh nghiệp. Thay vì chịu sự tác động, ràng buộc của một nhà tài trợ, các câu lạc bộ cần có nhiều doanh nghiệp cùng chung tay tài trợ một lúc. Nó vừa dân chủ, tránh bị tác động tiêu cực và nâng cao khả năng cạnh tranh tài chính cho đội bóng. Tôi có nghe câu lạc bộ Thanh Hóa có rất nhiều doanh nghiệp trong tỉnh cùng chung tay hỗ trợ chứ không phụ thuộc hoàn toàn một doanh nghiệp là một mô hình cần nhân rộng.
Điều bóng đá Việt Nam mắc phải lúc này là chất lượng, sự hấp dẫn giữa các trận đấu vẫn chưa cao. Đó cũng là lý do khiến khán giả quay lưng, ít đến sân xem bóng đá hơn hẳn. Nếu để khán giả quay mặt với câu lạc bộ, không đến sân, người thiệt thòi nhất chính là câu lạc bộ, cầu thủ, bóng đá Việt Nam. Nên cải thiện hình ảnh, chất lượng trận đấu mới lôi kéo được khán giả, đồng nghĩa bóng đá Việt Nam mới có cơ hội phát triển.
Hẹn “giải mã” bóng đá Việt Nam sau ba tháng
* Ông đã có biện pháp nào để giải cứu bóng đá Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng chưa? Tôi nghĩ VPF ký hợp đồng quá ngắn một năm với ông là "thất sách".
- Trong ba tháng tới đây, tôi chủ yếu đi thị sát tất cả 20 đội bóng chuyên nghiệp ở V-League lẫn giải hạng Nhất để tìm hiểu, đánh giá thực trạng bóng đá nội. Qua bức tranh tổng thể, tôi mới có kế hoạch, đề xuất để hỗ trợ từng câu lạc bộ cho đến VPF, để từng bước nâng cao giải chuyên nghiệp Việt Nam. Chuyện này phải mất thời gian, chứ không thể vội vã, qua loa. Qua ba tháng, tôi sẽ có những câu trả lời rõ ràng hơn với các bạn, về việc cải tổ theo hướng nào.
Cá nhân tôi thấy cảm mến đất nước này, sẵn sàng chung tay thay đổi bóng đá Việt Nam. Thời hạn một năm ngắn ngủi nhưng giúp cả hai hiểu kỹ nhau trước khi tái ký hợp đồng. Chưa nói trước điều gì to tát, tôi hứa sẽ làm gì tốt nhất để giúp bóng đá Việt Nam cải thiện tình hình rối ren, khủng hoảng trước mắt.
* Ông có dự tính đưa gia đình mình sang Việt Nam để vừa an tâm mặt sinh hoạt, lẫn công việc tư vấn hỗ trợ VPF hay không?
- Hiện tại tôi đang tìm nơi ở cố định, rồi đưa vợ tôi sang đây sống cùng. Như người Việt nói là "an cư thì mới lạc nghiệp ". Trong mắt tôi, Việt Nam là đất nước đẹp đẽ, năng động và khá giống với Nhật Bản. Gu ẩm thực của tôi cũng khá dễ chịu, phù hợp nhiều món ăn ở Việt Nam. Vừa qua, tôi cùng số lãnh đạo VPF cũng đi dạo quanh thành phố Đà Nẵng để thăm thú nhiều nơi. Tôi thấy mỳ Quảng của các bạn làm rất ngon chẳng hạn.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
. Theo Thethaovanhoa |