Tuyên ngôn độc lập
15:7', 3/6/ 2005 (GMT+7)

Hỏi:

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở đâu? Vào thời gian nào? Ý nghĩa trọng đại của bản Tuyên ngôn độc lập?

 

Trả lời:

Sáng ngày 26-8-1945, tại ngôi nhà số 48 Hàng Ngang, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng. Trong cuộc họp này, Người nhất trí với Thường vụ Trung ương Đảng về những chủ trương đối nội và đối ngoại trong tình hình mới, về việc sớm công bố danh sách thành viên Chính phủ lâm thời. Người đề nghị mở rộng hơn nữa thành phần Chính phủ lâm thời, chuẩn bị Tuyên ngôn độc lập và tổ chức mít tinh lớn ở Hà Nội để Chính phủ ra mắt nhân dân, cũng là ngày nước Việt Nam chính thức công bố quyền độc lập và thiết lập chính thể dân chủ cộng hòa.

Ngày 30-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời một số đồng chí đến trao đổi, góp ý kiến cho bản Tuyên ngôn độc lập do Người soạn thảo.

Ngày 31-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh bổ sung một số điểm vào dự thảo Tuyên ngôn độc lập.

Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập trong cuộc mít tinh trước hàng chục vạn đồng bào Thủ đô, tại vườn hoa Ba Đình khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tuyên ngôn độc lập có ý nghĩa lịch sử trọng đại:

- Tuyên ngôn độc lập đã khẳng định một chân lý lịch sử: "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do".

- Tuyên ngôn độc lập là bản khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là tác phẩm bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là bản "Thiên cổ hùng văn", kết tinh truyền thống lịch sử kiên cường, bất khuất của dân tộc ta, là bản anh hùng ca mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập tự do và góp phần làm phong phú về Quyền tự quyết của các dân tộc trên thế giới - Quyền độc lập tự do.

- Tuyên ngôn độc lập là văn bản pháp lý quan trọng đầu tiên khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khẳng định quyền tự do, độc lập của nhân dân ta trước toàn thế giới.

- Tuyên ngôn độc lập khẳng định ý chí và tinh thần dũng cảm, kiên cường, bất khuất của toàn thể dân tộc Việt Nam nhằm bảo vệ quyền độc lập, tự do, dân chủ của mình. Đó là ý chí "Không có gì quý hơn độc lập tự do"!

(còn tiếp)

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hồ Chí Minh, Biên niên sử, tập 2 (1930 - 1945), NXBCTQG, 1993.

2. Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, NXB Sự thật, 1984.

3. Võ Nguyên Giáp, Từ nhân dân mà ra, NXB Quân đội Nhân dân, 1969.

4. Hồ Chí Minh (toàn tập), tập 3, NXB Chính trị Quốc gia, 2002.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những cuộc khởi nghĩa và những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm tiêu biểu  (02/06/2005)
Tài liệu tham khảo trả lời câu hỏi về cuộc thi "Tìm hiểu 60 năm Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam"  (31/05/2005)
Về cuộc thi tìm hiểu "60 năm Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam"  (30/05/2005)
Phát động cuộc thi "Tìm hiểu 60 năm Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam"  (29/05/2005)