Hỏi:
Từ năm 1945 đến nay, nhân dân ta đã tham gia bầu cử bao nhiêu khóa Quốc hội?
Trong 60 năm qua, Hiến pháp nước VNDCCH và ngày nay là nước CHXHCNVN đã mấy lần được sửa đổi, bổ sung? Bản Hiến pháp được thông qua năm nào có câu: "Nhà nước CHXHCNVN là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân"?
Trả lời:
Từ năm 1945 đến nay, nước ta đã qua 11 khóa bầu cử Quốc hội:
1. Quốc hội khóa 1
Ngày 6-1-1946, Tổng tuyển cử đầu tiên trong cả nước, bầu ra Nghị viện nhân dân (Quốc hội khóa 1).
Quốc hội khóa 1 đã ban hành Hiến pháp đầu tiên, "Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946" (thông qua Kỳ họp thứ nhất ngày 9-11-1946) và "Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1959" ngày 31-12-1959.
2. Quốc hội khóa 2 (8-5-1960 – 26-4-1964)
3. Quốc hội khóa 3 (26-4-1964 – 11-4-1971)
4. Quốc hội khóa 4 (11-4-1971 – 6-4-1975)
5. Quốc hội khóa 5 (6-4-1975 – 25-4-1976)
6. Quốc hội khóa 6 (25-4-1976 – 26-4-1981), Quyết định đổi tên nước ta thành Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
7. Quốc hội khóa 7 (26-4-1981 – 19-4-1987)
8. Quốc hội khóa 8 (19-4-1987 – 19-7-1992), thông qua bản Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 tại kỳ họp ngày 15-4-1992.
9. Quốc hội khóa 9 (19-7-1992 – 20-7-1997)
10. Quốc hội khóa 10 (20-7-1997 – 19-5-2002), kỳ họp thứ 10 đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1992.
11. Quốc hội khóa 11 (19-5-2002 - tới nay).
Từ năm 1946 đến nay, nước ta có 4 bản Hiến pháp.
Nội dung các bản Hiến pháp đã khẳng định ngay từ đầu tính chất cơ bản của Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Điều này đã được thể hiện cụ thể:
* Hiến pháp 1946: Về mặt chính thể đã khẳng định: "Nước Việt Nam là một nước Dân chủ Cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân".
Nghĩa vụ và quyền lợi công dân được ghi nhận rõ ràng. "Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa" (Điều 6). "Tất cả công dân đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc…" (Điều 8). "Nam nữ bình quyền về mọi phương diện" (Điều 9). "Công dân Việt Nam có quyền: tự do ngôn luận; tự do xuất bản; tự do tổ chức và hội họp; tự do tín ngưỡng; tự do cư trú, đi lại trong nước và ngoài nước" (Điều 10).
- Thực hiện chế độ bầu cử, phổ thông đầu phiếu tự do, trực tiếp và bỏ phiếu kín (Điều 17). Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu mình đã bầu ra, có quyền phủ quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia (Điều 21).
- Nghị viện nhân dân là do công dân Việt Nam bầu ra, là cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nghị viện có quyền lập hiến và lập pháp.
* Hiến pháp 1959: Kế thừa những điều đã quy định ở Hiến pháp 1946 và xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ và tính chất của Nhà nước ta.
- Điều 4, ghi: "Tất cả quyền lực trong nước VNDCCH đều thuộc về nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền của mình thông qua Quốc hội và HĐND các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân".
Quốc hội, HĐND các cấp và các cơ quan Nhà nước đều thực hành nguyên tắc tập trung dân chủ.
- Điều 5, ghi: "Đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp có thể bị cử tri bãi miễn trước khi hết nhiệm kỳ nếu tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân".
- Điều 6, ghi: "Tất cả các cơ quan Nhà nước đều phải dựa vào nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của nhân dân".
Tất cả các nhân viên cơ quan Nhà nước đều phải trung thành với chế độ dân chủ nhân dân, tuân theo Hiến pháp và pháp luật, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân.
Các thành viên của Hội đồng Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi trái với Hiến pháp và pháp luật gây thiệt hại cho Nhà nước hay cho nhân dân.
* Hiến pháp 1980: Đây là Hiến pháp thể chế hóa Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng Cộng sản Việt Nam mang tên là Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Lời nói đầu bản Hiến pháp này đã chỉ rõ: "Là luật cơ bản của Nhà nước, Hiến pháp này đã quy định chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, quyền và nghĩa vụ của công dân, cơ cấu tổ chức và nguyên tắc hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Nó thể hiện mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhân dân là chủ, Nhà nước quản lý trong xã hội Việt Nam"?
Thể chế và tổ chức bộ máy Nhà nước ở cấp Trung ương đã thể hiện tư tưởng làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa do Đại hội IV đề ra.
- Điều 3, ghi: "Ở nước CHXHCN Việt Nam, người làm chủ tập thể là nhân dân lao động bao gồm giai cấp công nhân, giai cấp nông dân tập thể, tầng lớp trí thức xã hội chủ nghĩa và những người lao động khác mà nòng cốt là Liên minh công nông do giai cấp công nhân lãnh đạo".
- Điều 4, ghi: "Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội; là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam".
- Hiến pháp 1980 quy định Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam… Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp, quyết định những chính sách cơ bản của Nhà nước về đối nội, đối ngoại, những mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, những nguyên tắc tổ chức và hoạt động chủ yếu của bộ máy Nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân.
Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.
Bản Hiến pháp này có quy định tổ chức Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng, Chính phủ của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
* Hiến pháp 1992: Thể hiện đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam và thể hiện rõ tính chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân; cụ thể:
- Điều 2, ghi: "Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức".
- Điều 12, ghi: "Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa".
"Mọi hành động xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân đều bị xử lý theo pháp luật".
Về chế độ kinh tế, Hiến pháp 1992 đã xác định: "Nhà nước phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần… với các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh đa dạng dựa trên chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân trong đó sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể là nền tảng". Đáng chú ý là, Điều 21 đã quy định: "Kinh tế cá thể, kinh tế tư bản tư nhân được chọn hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh, được thành lập doanh nghiệp không bị hạn chế về quy mô hoạt động trong những ngành nghề có lợi cho quốc kế dân sinh. Kinh tế gia đình được khuyến khích phát triển".
Điều 23 quy định: "Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức không bị quốc hữu hóa". Trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia. Nhà nước trưng mua, trưng dụng theo luật định.
Các quyền tự do, dân chủ và nghĩa vụ công dân đã được xác định rõ và đầy đủ hơn, thể hiện tính chất cơ bản của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân trong Chương V.
Tại kỳ họp thứ 10, khóa X, bản Hiến pháp 1992 đã sửa đổi, bổ sung một số điều.
Điều 2 bản Hiến pháp 1992 được sửa đổi, bổ sung như sau: "Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân…".
(còn nữa)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hiến pháp năm 1946 và sự kế thừa, phát triển trong các Hiến pháp Việt Nam, NXB CTQG, 1998.
2. Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, NXB CTQG, 1992.
3. Kỷ yếu kỳ họp 11, Quốc hội khóa VIII, Văn phòng Quốc hội, 1992.
|