Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX và Cải cách hành chính
15:23', 8/6/ 2005 (GMT+7)

Hỏi:

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã nêu những giải pháp gì nhằm xây dựng, củng cố, hoàn thiện Nhà nước ta trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng XHCN?

Những nội dung chủ yếu của nhiệm vụ cải cách hành chính đang được tiến hành hiện nay?

 

Trả lời:

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã chủ trương đẩy mạnh cải cách tổ chức và hoạt động của Nhà nước, phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng XHCN.

- Trước hết là xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhà nước là công cụ chủ yếu để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, là nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Mọi tổ chức, cán bộ, công chức, mọi công dân có nghĩa vụ chấp hành Hiến pháp và pháp luật. Cải cách tổ chức và hoạt động Nhà nước gắn liền với xây dựng chỉnh đốn Đảng, đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên trong cơ quan nhà nước.

- Thứ hai là cải cách thể chế và phương thức hoạt động của Nhà nước: Kiện toàn tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội, tăng cường công tác lập pháp, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 1992. Xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại hóa. Điều chỉnh chức năng và cải tiến phương thức hoạt động của Chính phủ. Phân cấp, nâng cao tính chủ động của chính quyền địa phương, kết hợp chặt chẽ quản lý ngành và quản lý lãnh thổ, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ. Cải cách tổ chức, nâng cao chất lượng và hoạt động của các cơ quan tư pháp. Tăng cường đội ngũ thẩm phán và hội thẩm nhân dân cả về số lượng và chất lượng. Tổ chức lại cơ quan điều tra và cơ quan thi hành án theo nguyên tắc gọn đầu mối. Thực hiện tinh giản biên chế trong các cơ quan Nhà nước.

- Thứ ba là Phát huy dân chủ, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, tăng cường pháp chế. Nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, HĐND. Tăng thêm tỉ lệ đại biểu quốc hội chuyên trách. Thực hiện tốt quy chế dân chủ. Xây dựng luật trưng cầu ý dân. Chăm lo cho con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người. Xác định trách nhiệm của các cấp, các cơ quan, cán bộ, công chức trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững kỷ cương, kỷ luật, tăng cường pháp chế, tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.

- Thứ tư là Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức trong sạch có năng lực, coi trọng cả về năng lực và đạo đức. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trước hết là coi cán bộ lãnh đạo, quản lý về đường lối, chính sách, về kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước. Định kỳ kiểm tra, đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, kịp thời thay thế những cán bộ, công chức yếu kém, thoái hóa. Tăng cường cán bộ cho cơ sở, có chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ đối với cán bộ xã, phường, thị trấn.

- Thứ năm là đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong bộ máy nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Gắn chống tham nhũng với chống lãng phí, quan liêu, buôn lậu, đặc biệt chống hành vi lợi dụng chức quyền để làm giàu bất chính. Cải cách cơ bản chế độ tiền lương, nâng cao đời sống người hưởng lương, chống đặc quyền, đặc lợi. Giáo dục thường xuyên cán bộ, đảng viên, công chức về mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức cách mạng. Xem xét trách nhiệm hình sự, hoặc có hình thức kỷ luật thích đáng đối với những người đứng đầu nơi xảy ra tham nhũng, gây hậu quả nghiêm trọng.

Nội dung chủ yếu của nhiệm vụ cải cách là:

- Hình thành về cơ bản và vận hành thông suốt có hiệu quả thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tập trung trước hết xóa bỏ những quy định mang nặng tính hành chính quan liêu, bao cấp gây phiền hà, sách nhiễu, kìm hãm sự phát triển lực lượng sản xuất. Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra nâng cao kỷ luật và hiệu lực thi hành pháp luật trong bộ máy nhà nước và trong xã hội.

- Kiện toàn hợp lý tổ chức bộ máy nhà nước. Trên cơ sở tách chức năng quản lý nhà nước với hoạt động kinh doanh, xúc tiến đổi mới tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động và quy chế làm việc của các cơ quan nhà nước. Thực hiện mạnh mẽ việc phân cấp trong hệ thống hành chính đồng thời nâng cao tính tập trung, thống nhất trong việc ban hành thể chế. Quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của từng cấp, từng tổ chức, từng cá nhân. Khắc phục tình trạng chồng chéo, đưa đẩy trách nhiệm.

- Tách cơ quan hành chính công quyền với tổ chức sự nghiệp, xúc tiến nhanh và có hiệu quả việc hiện đại hóa công tác hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin. Kiện toàn bộ máy, tinh giản biên chế.

- Nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức. Đẩy mạnh đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, chú trọng cán bộ xã, phường. Đổi mới, đưa vào nề nếp quy chế tuyển chọn, đề bạt, khen thưởng, chế độ hưu trí. Chuyển đổi công tác những người không đủ năng lực. Thực hiện tốt quy chế dân chủ, bảo đảm cho dân tiếp xúc dễ dàng các cơ quan công quyền, có điều kiện kiểm tra cán bộ, công chức.

- Ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng quan liêu. Nghiêm trị kẻ tham nhũng, vô trách nhiệm. Người lãnh đạo cơ quan xảy ra tham nhũng phải bị xử lý về trách nhiệm. Bảo vệ và khen thưởng những người phát hiện đúng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng.

- Đổi mới và hoàn thiện thể chế, thủ tục hành chính, kiên quyết chống tệ cửa quyền, sách nhiễu và sự tắc trách, vô kỷ luật trong công việc. Tăng cường quản lý, kiểm tra ngăn chặn lãng phí, tham nhũng. Thực hiện quy chế dân chủ và công khai tài chính ở các cấp chính quyền, kê khai tài sản đối với cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành. Cải cách tiền lương đi đôi với tăng cường giáo dục và kiểm tra việc thực hiện công vụ của cán bộ, công chức.

Cụ thể là:

1. Cải cách thể chế

- Xây dựng và hoàn thiện các thể chế, trước hết là thể chế kinh tế của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, thể chế và tổ chức hoạt động của hệ thống hành chính Nhà nước. Chú trọng: Thể chế về thị trường vốn và tiền tệ, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản thị trường khoa học và công nghệ, thị trường lao động, thị trường dịch vụ: Thể chế về tổ chức và hoạt động của hệ thống hành chính, trước hết là do tổ chức và hoạt động của hệ thống hành chính, trước hết là tổ chức và hoạt động của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các cấp; Thể chế về quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân; Thể chế về thẩm quyền quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp Nhà nước nói riêng; phân biệt rõ quyền của chủ sở hữu, quyền quản lý hành chính Nhà nước và quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp.

- Đổi mới quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

- Bảo đảm việc tổ chức thực thi pháp luật nghiêm minh của các cơ quan Nhà nước, của cán bộ, công chức.

Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm tính pháp lý, hiệu quả, minh bạch và công bằng trong khi giải quyết công việc hành chính. Loại bỏ những thủ tục rườm rà, chồng chéo dễ bị lợi dụng để tham nhũng, gây khó khăn cho dân. Mở rộng cải cách thủ tục hành chính trong tất cả các lĩnh vực, xóa bỏ kịp thời những quy định không cần thiết về cấp phép và thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, kiểm dịch, giám định.

2. Cải cách tổ chức bộ máy hành chính

- Điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp cho phù hợp với yêu cầu quản lý Nhà nước trong tình hình mới.

- Từng bước điều chỉnh những công việc mà Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương đảm nhiệm để khắc phục những chồng chéo, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ. Chuyển cho các tổ chức xã hội, tổ chức phi Chính phủ hoặc doanh nghiệp làm những công việc về dịch vụ không cần thiết phải do cơ quan hành chính Nhà nước trực tiếp thực hiện.

- Đến năm 2005, về cơ bản ban hành xong và áp dụng các quy định mới về phân cấp Trung ương - địa phương, phân cấp giữa các cấp chính quyền địa phương, nâng cao thẩm quyền và trách nhiệm của chính quyền địa phương, tăng cường mối liên hệ và trách nhiệm của chính quyền trước nhân dân địa phương. Gắn phân cấp công việc với phân cấp về tài chính, tổ chức và cán bộ. Định rõ những loại việc địa phương toàn quyền quyết định, những việc trước khi địa phương quyết định phải có ý kiến của Trung ương và những việc phải thực hiện theo quyết định của Trung ương.

- Bố trí lại cơ cấu tổ chức của Chính phủ.

- Điều chỉnh cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

- Cải cách tổ chức bộ máy chính quyền địa phương.

- Cải tiến phương thức quản lý, lề lối làm việc của cơ quan hành chính các cấp.

- Thực hiện từng bước hiện đại hóa nền hành chính.

3. Đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức

- Đổi mới công tác quản lý cán bộ, công chức:

Đổi mới công tác quản lý cán bộ, công chức phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội và cải cách hành chính.

Tiến hành tổng điều tra, đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức nhằm xác định chính xác số lượng, chất lượng của toàn bộ đội ngũ cán bộ, công chức. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức để từng bước chuyển sang quản lý cán bộ, công chức bằng hệ thống tin học ở các cơ quan hành chính Nhà nước ở Trung ương và địa phương.

- Sửa đổi việc phân cấp trách nhiệm quản lý cán bộ, công chức. Mở rộng quyền và trách nhiệm quản lý cán bộ, công chức của chính quyền địa phương. Phân cấp quản lý về nhân sự đi liền với phân cấp về nhiệm vụ và phân cấp về tài chính.

- Cải cách tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ.

Cải cách tiền lương theo quan điểm: Coi tiền lương là hình thức đầu tư trực tiếp cho con người, đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cán bộ, công chức và hoạt động công vụ.

- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

- Đánh giá lại công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, xây dựng và triển khai kế hoạch về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính Nhà nước theo từng loại: Cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tham mưu hoạch định chính sách; cán bộ, công chức các ngạch hành chính, sự nghiệp và cán bộ chính quyền cơ sở.

- Nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức cán bộ, công chức.

- Tăng cường các biện pháp giáo dục cán bộ, công chức về tinh thần trách nhiệm, ý thức tận tâm, tận tụy với công việc. Xây dựng tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp cán bộ, công chức. Tôn vinh nghề nghiệp, danh dự của người cán bộ, công chức.

4. Cải cách tài chính công

- Đổi mới cơ chế phân cấp quản lý tài chính và ngân sách, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống tài chính quốc gia và vai trò chỉ đạo của ngân sách trung ương; đồng thời phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo và trách nhiệm của địa phương và các ngành trong việc điều hành tài chính và ngân sách.

- Bảo đảm quyền quyết định ngân sách địa phương của HĐND các cấp, tạo điều kiện cho chính quyền địa phương chủ động xử lý các công việc ở địa phương; quyền quyết định của các bộ, sở, ban, ngành về phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc; quyền chủ động của các đơn vị sử dụng ngân sách trong phạm vi dự toán được duyệt phù hợp với chế độ, chính sách.

- Đổi mới cơ bản cơ chế tài chính đối với khu vực dịch vụ công.

- Xây dựng quan niệm đúng về dịch vụ công. Nhà nước có trách nhiệm chăm lo đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân, nhưng không phải vì thế mà mọi công việc về dịch vụ công đều do cơ quan Nhà nước trực tiếp đảm nhận. Nhà nước có các chính sách, cơ chế tạo điều kiện để doanh nghiệp, tổ chức xã hội và nhân văn trực tiếp làm các dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ và kiểm tra, kiểm soát của cơ quan hành chính Nhà nước.

- Xóa bỏ cơ chế cấp phát tài chính theo kiểu "xin - cho", ban hành các cơ chế, chính sách thực hiện chế độ tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp có điều kiện như trường đại học, bệnh viện, viện nghiên cứu v.v.. Trên cơ sở xác định nhiệm vụ phải thực hiện, mức hỗ trợ tài chính từ ngân sách Nhà nước và phần còn lại do các đơn vị tự trang trải.

- Thực hiện thí điểm để áp dụng rộng rãi một số cơ chế tài chính mới, như:

Cho thuê đơn vị sự nghiệp công, cho thuê đất để xây dựng cơ sở nhà trường, bệnh viện; chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với cán bộ, công chức chuyển từ các đơn vị công lập sang dân lập;

Cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài đầu tư phát triển các cơ sở đào tạo dạy nghề, đại học, trên đại học, cơ sở chữa bệnh có chất lượng cao ở các thành phố, khu công nghiệp; khuyến khích liên doanh và đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào lĩnh vực này;

Thực hiện cơ chế khoán một số loại dịch vụ công cộng như: vệ sinh đô thị, cấp, thoát nước, cây xanh công viên, nước phục vụ nông nghiệp…;

Thực hiện cơ chế hợp đồng một số dịch vụ công trong cơ quan hành chính.

- Đổi mới công tác kiểm toán đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp nhằm nâng cao trách nhiệm và hiệu quả sử dụng kinh phí từ ngân sách Nhà nước, xóa bỏ tình trạng nhiều đầu mối thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. Thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch về tài chính công, tất cả các chỉ tiêu tài chính đều được công bố công khai.

(còn nữa)

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, NXB CTQG, 2001.

2. Sổ tay báo cáo viên về Đại hội IX, Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, 2001.

3. Tìm hiểu một số khái niệm trong Văn kiện Đại hội IX của Đảng, NXB CTQG, 2001.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những thành tựu sau 20 năm đổi mới  (07/06/2005)
Quốc kỳ và quốc ca  (06/06/2005)
Các khóa Quốc hội và Hiến pháp  (05/06/2005)
Tuyên ngôn độc lập  (03/06/2005)
Những cuộc khởi nghĩa và những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm tiêu biểu  (02/06/2005)
Tài liệu tham khảo trả lời câu hỏi về cuộc thi "Tìm hiểu 60 năm Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam"  (31/05/2005)
Về cuộc thi tìm hiểu "60 năm Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam"  (30/05/2005)
Phát động cuộc thi "Tìm hiểu 60 năm Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam"  (29/05/2005)