Báo Bình Định số ra ngày 19-6-2006 có bài “Không nên để trẻ em dân tộc thiểu số lang thang, xin ăn”. Cùng ngày, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Định có văn bản giải trình về tình trạng này và trách nhiệm giải quyết như sau:
Thực hiện Đề án giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn tỉnh; từ năm 2003 đến nay thành phố Quy Nhơn và các ngành chức năng của tỉnh đã nhiều lần tập trung những người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn thành phố, trong đó có 20 người là dân tộc Chăm cư trú ở xã Phước Lãnh, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, Sở LĐ-TB và XH đã giải quyết cho về theo sự bảo lãnh của gia đình và địa phương.
Ngày 8-2-2006, Sở LĐ-TB và XH có công văn số 188/LĐTBXH-CSXH báo cáo UBND tỉnh Bình Định, đồng thời gửi UBND tỉnh Phú Yên, Sở LĐ-TB và XH tỉnh Phú Yên và UBND huyện Đồng Xuân đề nghị chỉ đạo và tăng cường công tác giáo dục, thuyết phục và tạo điều kiện trợ giúp cho họ ổn định cuộc sống, chấm dứt tình trạng ra Quy Nhơn lang thang, xin ăn.
Tuy nhiên, hiện nay trên một số đường phố Quy Nhơn xuất hiện một số phụ nữ và hơn chục trẻ em dân tộc thiểu số ở xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên và một số ít của huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định đang lang thang, xin ăn nơi công cộng như báo Bình Định đã phản ảnh.
Sở LĐ-TB và XH đề nghị UBND thành phố Quy Nhơn chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với UBND các phường giải quyết tình hình trên theo quy định tại Quyết định số 159/QĐ-UBND ngày 1-2-2006 của UBND tỉnh Bình Định về việc giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn.
|