|
Một trường hợp người điều khiển phương tiện đường thủy nội địa nhưng chưa được đào tạo chuyên môn. Ảnh: A.T |
Để kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT) và giảm thiểu thiệt hại do TNGT gây ra, việc đào tạo người điều khiển phương tiện có ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác này chưa được làm tốt do sự thờ ơ, thiếu sự phối hợp của nhiều ngành, chính quyền địa phương và sự bất hợp tác của người dân. Việc triển khai chiêu sinh cấp chứng chỉ chuyên môn cho người lái phương tiện thủy nội địa tại Trung tâm đào tạo nghiệp vụ giao thông vận tải (ĐTNVGTVT) Bình Định là một ví dụ điển hình.
Thực hiện các chủ trương và quy định của Nhà nước, đầu tháng 9.2007, Trung tâm ĐTNVGTVT Bình Định chủ động liên kết với Trường Trung học kỹ thuật nghiệp vụ Hàng Giang II – Cục Đường sông Việt Nam, chiêu sinh cấp chứng chỉ chuyên môn cho người lái phương tiện thủy nội địa. Mục đích của đợt chiêu sinh lần này nhằm đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề cho các đối tượng là những người lái trực tiếp điều khiển phương tiện không có động cơ, có tải trọng toàn phần từ 5 tấn đến 15 tấn; hoặc phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính từ 5 CV đến trên 15 CV; hoặc phương tiện có sức chở từ 5 người đến trên 12 người. Thông tin chiêu sinh trên được Trung tâm ĐTNVGTVT Bình Định thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng như Báo Bình Định, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Định… trong nhiều ngày liền. Thế nhưng, sau gần 1 tháng thông báo chiêu sinh rộng rãi, chưa có một trường hợp nào trong tỉnh đăng ký học. Điều oái ăm là trong khi trong tỉnh không có người nào đăng ký học, thì hàng chục người lái phương tiện đường thủy nội địa từ các tỉnh miền núi Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắk… tích cực đăng ký tham gia lớp học này.
Theo thống kê của ngành GTVT, hiện trên địa bàn tỉnh có 776 phương tiện thủy nội địa đã đăng ký, trong đó chỉ có 32 người có bằng thuyền trưởng, 14 người có chứng chỉ chuyên môn, 200 người có chứng nhận hành nghề điều khiển phương tiện đường thủy nội địa. Như vậy, hiện toàn tỉnh có trên 520 phương tiện thủy nội địa đang hoạt động mà người lái trực tiếp chưa đủ điều kiện hành nghề. Ông Trương Thanh Kha – Giám đốc Trung tâm ĐTNVGTVT Bình Định, cho biết: “Thực hiện chủ trương của Nhà nước, thời gian qua Trung tâm đã nhiều lần phối hợp với các đơn vị chức năng chiêu sinh, đào tạo người lái phương tiện đường thủy nội địa. Thế nhưng trong khi nhiều tỉnh miền núi tích cực đưa người xuống đây để học thì ở tỉnh ta chẳng mấy người tích cực tham gia các khóa học này”.
Mong rằng các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương các cấp tích cực phối hợp với Trung tâm ĐTNVGTVT Bình Định triển khai đồng bộ chủ trương của Nhà nước về việc đào tạo, cấp chứng chỉ cho những người đang hành nghề lái phương tiện đường thủy nội địa. Đặc biệt là cần có chế tài nghiêm khắc với những người đang hành nghề lái phương tiện đường thủy nội địa chưa được đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề.
|