Báo Bình Định (Số 3108 - thứ Tư - ngày 14.11.2007) có bài: “Nợ tiền tiếp khách, Đảng ủy xã bị kiện ra tòa” phản ảnh về việc “ăn nhậu” của các vị trong Đảng ủy xã Canh Thuận (Vân Canh) nợ tiền quán dây dưa từ năm này sang năm khác đến nỗi không còn khả năng chi trả, buộc lòng chủ quán phải đưa vấn đề ra tòa án xét xử!
Kết quả phiên tòa sơ thẩm, tòa án huyện Vân Canh đã tuyên xử: Buộc Đảng ủy xã mà đại diện là ông Y Sô Đường - Bí thư Đảng ủy phải có trách nhiệm trả cho bà Đào Thị Thiết (chủ quán) số tiền nợ 13.648.000đ. Ngoài ra, Đảng ủy xã Canh Thuận còn phải nộp 682.000đ tiền án phí để trả cho nguyên đơn là bà Thiết lúc kiện đã tạm ứng!
Có lẽ, đây là một phiên tòa “hy hữu”, có một không hai trong lịch sử tố tụng ở tỉnh ta từ ngày giải phóng đến nay; bởi tình tiết và diễn biến của vụ án mới nghe có gì đó như là... “Chuyện lạ mà có thật”.
Thật ra, số tiền 13.648.000đ không phải là lớn nhưng với kinh phí hoạt động hàng năm của một cơ quan Đảng ủy xã miền núi thì số tiền ấy là lớn thật, bởi nó tương đương với một năm lương của một bí thư đảng ủy xã cơ mà! Thế nhưng, vượt lên tất cả thì cái lớn nhất ở đây là uy tín, danh dự, niềm tin... của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong xã đối với cấp ủy xã đã bị tổn thương một cách nặng nề (nếu không muốn nói là không còn nữa)!
Từ nhiều năm nay, “tình hình ăn nhậu” có tính thường xuyên, liên tục, bê tha... trong một bộ phận không nhỏ cán bộ chủ chốt ở các phường, xã đã tạo ra những dư luận không hay, không tốt trong nhân dân các địa phương. Điều đáng nói là “ăn nhậu” luôn song hành với các tệ nạn xã hội khác như: tham ô, hối lộ, gái gú... dẫn đến tha hoá, biến chất về đạo đức, lối sống; làm hư hỏng không ít cán bộ mà chúng ta đã thấy! Thực trạng này nếu không có những biện pháp, ngăn chặn, chấn chỉnh kịp thời từ phía các cơ quan quản lý cấp trên, sẽ làm mất lòng tin của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ phường, xã. Vụ việc ở xã Canh Thuận chỉ mới là phần nổi của tảng băng chìm khổng lồ hiện nay mà thôi...
Trong khi Bộ Chính trị, Ban Bí thư đang có cuộc vận động “Học tập tư tưởng và đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh” mà trong đó, học tập và làm theo đạo đức “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” của Bác là một trong những yêu cầu chủ đạo của cuộc vận động thì “vụ án xã Canh Thuận” một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ đội ngũ cán bộ phường, xã ở tỉnh ta trong tình hình hiện nay...
|