|
Một đoạn đê bao sông Lại. |
Người dân sống dọc bên bờ sông Lại đoạn qua thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn) hiện nay mỗi khi nhắc đến lũ lụt, ai cũng kinh hoàng trước những trận lũ lịch sử vào các năm 1964, 1987, 1999. Tuy chưa vượt qua đỉnh lũ các năm nhưng đợt lũ vào tối ngày 4.11.2007 vừa qua đã làm cho người dân nơi đây một đêm thức trắng đầy lo sợ…
Trong những trận lũ lịch sử Bồng Sơn là một trong những vùng đất đầu tiên hứng chịu hai dòng nước lũ lớn từ hai con sông thượng nguồn Kim Sơn – An Lão đổ về làm cho các vùng trũng thấp như An Đông, An Trung, Phụ Đức, Trung Lương (dọc theo bờ Bắc dòng sông Lại) hoàn toàn ngập chìm trong nước lũ. Những trận lũ đó đã cướp đi biết bao tài sản cũng như sinh mạng của hàng ngàn hộ dân trong vùng và khu vực liền kề.
Nhằm tạo môi trường không gian bền vững cho nhân dân chăm lo sản xuất, ổn định cuộc sống tránh những thiệt hại lớn do thiên tai gây ra hàng năm, năm 2004 thị trấn Bồng Sơn được Trung ương đầu tư 10 tỉ đồng để xây dựng hệ thống đê bao sông Lại (đoạn từ phía Bắc mố cầu Bồng Sơn cũ tiếp nối với đường tránh Quốc lộ 1A mới) dài 1,7km. Đoạn đê này có cao trình 4,5m dựa trên đỉnh lũ năm Giáp Thìn (1964) – 0,5m – được thiết kế mặt đáy rộng 25m, mặt đường trên đê bao rộng 10m được thảm bằng bê tông nhựa. Tả luy bên tiếp giáp với dòng nước được kiên cố bằng bê tông đúc sẵn.
Đợt lũ xảy ra vào ngày 4-5 tháng 11.2007 vừa qua, lũ trên sông Lại đã vượt qua mức báo động cấp 3 là 0,7m – tương đương với đỉnh lũ năm 1999 nhưng thấp hơn đỉnh lũ 1987 là 0,5m. Ở mức nước này nếu không có hệ thống đê bao ngăn mặn thì hàng ngàn hộ dân sống bên kia đê bao, kể cả những khu vực ở giữa trung tâm thị trấn sẽ bị ngập chìm trong cơn lũ và thiệt hại sẽ rất lớn.
Thật sự đây là một công trình mang tính an sinh hết sức hiệu quả bảo vệ tài sản, tính mạng của hàng ngàn người dân nơi đây. Tuy nhiên sau khi lũ rút, một số vấn đề nảy sinh cần được kịp thời khắc phục ngay trên hệ thống đê bao này.
Có lẽ do việc bàn giao bảo quản công trình cho cấp cơ sở chậm, nên hiện nay ở một số nơi trên bề mặt tả luy, bê tông lắp ráp đã bị bể, bong, tróc, nước len lỏi vào bên trong thân đê tạo nên nhiều vết nứt, lỗ hổng rất nguy hiểm cho sự bền vững của đê bao.
Tiếp đến hệ thống cống thoát nước lắp đặt chưa hợp lý. Có nơi còn quá cao so với độ trũng ở các vùng đất bên trong đê nên nước không thể thoát ra được khi lũ rút, gây nên tình trạng ngập úng dài ngày ảnh hưởng đến việc gieo trồng vụ Đông Xuân sắp tới. Bên cạnh đó 4 cửa phai ngăn – xả lũ tại các miệng cống thiết kế quá sơ sài (dùng bằng ván dừa ghép lại) nên đã xảy ra sự cố bể nắp chắn. Trong đợt lũ vừa qua nếu không có lực lượng dân quân và nhân dân kịp thời lấp cổng thì có thể xảy ra hậu quả rất xấu.
Để bảo vệ vững chắc và lâu dài cho công trình lớn này, cần thiết phải có đội chuyên trách bảo vệ đê điều nhằm thường xuyên kiểm tra phát hiện các sự cố xuống cấp, xói lở của thân đê để kịp thời xử lý. Đồng thời nên thiết kế lắp đặt lại các nắp chắn ở các cửa phai bằng các vật liệu chịu sức ép của nước. Nghiêm cấm tuyệt đối việc khai thác cát gần chân đê và các loại xe có trọng tải, bánh sắt vận hành trên mặt đê. Khơi thông và tạo lại dòng chảy cho nước bên trong vùng ngập úng rút hết vào hệ thống cống thoát để giữ vững chân đê khỏi bị thẩm thấu sụt lún trong những điều kiện thời tiết bất lợi.
|