Tại các cuộc họp tổ dân phố xét chọn hộ nghèo, nhân dân tham gia bàn thảo rất sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến sòng phẳng. Nhiều người cho rằng nếu chỉ căn cứ mức thu nhập bình quân đầu người 260 ngàn đồng/tháng làm tiêu chí công nhận hộ nghèo ở thành thị thì không hợp lý. Họ nêu ra nhiều trường hợp cụ thể mà đa số ý kiến đều cho là không thể chấp nhận là hộ nghèo. Ví như một gia đình có 4 nhân khẩu, chồng làm công chức nhà nước, lương tháng 1 triệu đồng, vợ mạnh khỏe nhưng chỉ ở nhà làm nội trợ, hai con đi học. Tính bình quân thu nhập đầu người 250 ngàn đồng/tháng, nhưng không thể coi là hộ nghèo vì không thể tính nhân khẩu người trong khi có người khỏe mạnh, đang ở tuổi lao động nhưng không làm việc. Hay như một hộ có 10 nhân khẩu gồm hai ông bà già ngoài 60 tuổi, hai người con trai đã có vợ và 4 cháu nhỏ đang đi học. Hai người con trai làm công nhân lao động phổ thông, lương tháng mỗi người khoảng 1 triệu đồng còn hai bà vợ thì ở nhà chơi không và thường xuyên đi đánh bài để thư giãn. Tính thu nhập bình quân đầu người của hộ này chỉ được 200 ngàn đồng/tháng, nhưng cũng không thể coi là hộ nghèo, vì hai bà vợ còn sức lao động nhưng không chịu tìm việc làm. Chỉ nên công nhận hộ nghèo đối với hai ông bà già không còn sức lao động; không thể để cho vợ chồng hai người con trai ăn theo tiêu chuẩn hộ nghèo của cha mẹ. Hoặc như trường hợp một gia đình có 5 nhân khẩu gồm cha mẹ già không còn sức lao động và ba người con, hai trai, một gái đều ngoài 20 tuổi, nhưng không đi làm mà chỉ biết ăn không ngồi rồi. Hộ này xem bề ngoài hình như không có thu nhập, nhưng mấy người con sáng nào cũng uống cà phê, ăn phở, vậy sao có thể gọi là hộ nghèo? Nếu có sự chiếu cố thì chỉ nên công nhận hộ nghèo đối với hai ông bà già…
Lâu nay, vì Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi hộ nghèo như xây tặng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết; cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; cho vay tín dụng lãi suất thấp; cho con cái được vay tín dụng ưu đãi để đi học, giảm, miễn học phí, cấp học bổng v.v… nên nhiều hộ gia đình tìm mọi cách tính thu nhập bình quân đầu người thấp để được xếp hộ nghèo. Trong khi đó cán bộ sở tại thì không sát thực tế, dân kê khai mức thu nhập như thế nào cứ thế mà làm theo, còn thực tế họ có thật sự nghèo hay không không quan tâm.
Đa số nhân dân kiến nghị: cùng với tiêu chí thu nhập bình quân đầu người, cần có thêm những quy định cụ thể như không tính nhân khẩu hộ nghèo đối với những người có sức lao động nhưng ăn không ngồi rồi. Mặt khác khi xét chọn hộ nghèo cần tổ chức cho nhân dân trong cùng khu phố, thôn, bản được bàn thảo dân chủ, công khai, minh bạch. Kiên quyết không công nhận hộ nghèo đối với những hộ có mức thu nhập bình quân đầu người đúng theo tiêu chí quy định, nhưng bị đông đảo dư luận cho rằng đó là “hộ nghèo” của những bà vợ nhàn nhã thường nhật đánh bài “giải trí”, những thanh niên sáng nào cũng “tô, ly, điếu”.
|